Nguy cơ Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng thế giới

12/10/2023 14:57 GMT+7

Nhu cầu sử dụng tiêu thụ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn trong khi nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt. Nếu như không sớm chuyển dịch năng lượng, tương lai Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng của thế giới.

Đó là cảnh báo được các chuyên gia, đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn triển vọng ngành năng lượng Việt Nam do Báo điện tử VOV (ĐàiTiếng nói Việt Nam) tổ chức ngày 12.10, tại Hà Nội.

Theo TS Chử Đức Hoàng (Bộ KH-CN), thế giới chỉ còn 70 - 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống. Cụ thể với than đá, tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn. Dầu mỏ mỗi năm tiêu thụ 35 tỉ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Khí đốt mỗi năm tiêu thụ khoảng 4.000 tỉ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỉ m3.

Nguy cơ Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng thế giới - Ảnh 1.

Diễn đàn triển vọng ngành năng lượng Việt Nam thu hút rất đông các đại biểu tham gia

NGUYỄN NGÂN

Trong khi đó, sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống có tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái; phát sinh sự cố mất an toàn (sập lò, vỡ đập, xả lũ…).

Nguồn năng lượng truyền thống phân bố không đồng đều dẫn đến các cuộc cạnh tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, thậm chí đã có những cuộc chiến tranh năng lượng song phương hoặc đa phương.

TS Chử Đức Hoàng cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất cao và việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.

"Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và thủy điện. Đây là giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường và tái tạo được", ông Hoàng nói.

Công cụ pháp lý chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư năng lượng tái tạo 

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển nguồn cung năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hiện nay chưa thực sự rõ ràng để thu hút, hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng Tập đoàn T&T, cho rằng tiềm năng nguồn thủy điện lớn của Việt Nam cơ bản sẽ được khai thác hết trong thập kỷ này. Nguồn khí thiên nhiên cơ bản đã đạt ngưỡng và đang đi xuống; còn nguồn than mỏ trong nước có giới hạn cả về trữ lượng lẫn khả năng khai thác, sử dụng.

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, hội tụ đầy đủ các tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có chi phí hợp lý.

Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như luật hoặc thấp hơn là nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua hoặc được lồng ghép vào các quyết định hoặc chiến lược...

Riêng với điện gió ngoài khơi, ông Cường cho rằng chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi, do vậy cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ gây ra vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn địa phương và các bộ, ngành.

"Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững. Chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp đã gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy", ông Cường dẫn chứng.

Ông Hoàng Việt Dũng (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương) cho biết, giai đoạn 2002 - 2010, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng khoảng 10% và khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019. Riêng đối với điện, nhu cầu tiêu thụ tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021.

Dự báo trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng nhìn từ câu chuyện thiếu điện, cắt điện xảy ra vào mùa cao điểm, thiếu xăng dầu cục bộ như vừa qua thì thấy trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm.

Bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than, Việt Nam được thế giới đánh giá có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành ngành năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển...

Nhưng để phát triển ngành năng lượng, chủ động năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này.

Xung đột Hamas-Israel tác động giá dầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.