Năng lượng tái tạo 'hút' đại gia nước ngoài 'đổ tiền' vào Việt Nam

30/06/2023 14:14 GMT+7

Năng lượng tái tạo đang là ngành đầu tư hấp dẫn khi nhiều doanh nghiệp "đại gia" nước ngoài sẵn sàng rót hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỉ USD đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.

Trong thông báo phát đi ngày 26.6, Công ty cổ phần năng lượng AC Energy (Acen) - một công ty con thuộc Tập đoàn Ayala của tỉ phú Philippines Jaime Zobel de Ayala đã hoàn tất việc mua lại giai đoạn đầu tiên và sẽ mua lại mảng kinh doanh năng lượng mặt trời của Super Energy Corporation (Thái Lan) tại Việt Nam trong năm nay.

Năng lượng tái tạo 'hút' đại gia nước ngoài 'đổ tiền' vào Việt Nam - Ảnh 1.

Năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

HOÀNG PHAN

Cũng theo thông báo, Super Energy Corporation đang sở hữu và vận hành các dự án năng lượng mặt trời có công suất 837 MW tại Việt Nam thông qua đơn vị Solar NT.

Thương vụ Acen đầu tư vào Super Energy Corporation có tổng giá trị khoảng 165 triệu USD. Theo đó, Acen sẽ nắm giữ 49% quyền sở hữu của Solar NT thông qua việc mua lại theo từng giai đoạn. Hiện tại, Acen đang là doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu ở Đông Nam Á.

Trước đó, cuối năm 2022, thông tin tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bạc Liêu, ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch Super Energy, cho biết trong 5 năm qua, doanh nghiệp này đã đầu tư 2 tỉ USD vào Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính năm 2022 của Super Energy, doanh nghiệp đã đầu tư vào 20 công ty tại Việt Nam, trong đó 13 công ty có chức năng vận hành và bán năng lượng tái tạo. Hiện tại, Super Energy đang vận hành 9 dự án điện mặt trời tổng công suất 837 MW và 5 dự án điện gió đang trong giai đoạn phát triển với tổng công suất 471 MW.

Cũng theo lãnh đạo công ty năng lượng mặt trời số một Thái Lan, doanh nghiệp này đang có kế hoạch đầu tư 41,5 tỉ baht, tương đương hơn 28.100 tỉ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và Thái Lan.

Trong năm nay, Super Energy đầu từ khoảng 12,4 tỉ bath vào Việt Nam để triển khai dự án điện gió ngoài khơi 30 MW tại Sóc Trăng và dự án điện gió gần bờ 70 MW tại Bạc Liêu. Trong những năm tiếp theo, Super Energy giải ngân 5,5 tỉ baht tại Thái Lan và Việt Nam; tài trợ cho dự án điện gió 71 MW tại Sóc Trăng. Ngoài ra, Super Energy sẽ đầu tư vào điện gió Phú Yên công suất 200 MW và điện gió Đăk Song công suất 50 MW.

Trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng thông qua hồi tháng 5, Chính phủ định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%; phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. Quy hoạch điện VIII cũng nhấn mạnh sự quan trọng, cần thiết phải xây dựng dự thảo luật về năng lượng tái tạo năm 2024; ban hành các chính sách mua bán điện trực tiếp; xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai.

Theo đánh giá từ các tổ chức quốc tế, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã tháo gỡ những thắc mắc, mối lo cho nhà đầu tư nước ngoài và nguồn lực đầu tư trong nước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Eric Francia, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Acen, cho biết Việt Nam sẽ là thị trường ưu tiên trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp này tại Đông Nam Á. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sạch và Acen coi đây là thị trường lý tưởng cho các khoản đầu tư phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.