Người nhà quê

Lê Thị Nam Phương
Bình Phước
26/10/2023 15:00 GMT+7

TP.HCM những năm đầu thập niên 1990 giống như một miền đất hứa, rất nhiều ước mơ, hoài bão của nhiều thế hệ được đặt để nơi này...

TP.HCM là một điều gì đó rất lung linh, khá xa lạ và rất khó chạm tới, đặc biệt với những "người nhà quê" như anh em chúng tôi.

Người nhà quê - Ảnh 2.

Sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cuối tuần trước Bưu điện TP.HCM

Thiên Anh

Chúng tôi lớn lên ở vùng quê Sông Bé (cũ), cách TP.HCM đến hàng trăm cây số. Cho đến khi tôi 10 tuổi vẫn chỉ biết đến Sài Gòn – TP.HCM qua lời kể của các cô chú đi buôn hàng từ nơi ấy về. Chẳng biết họ có khoa trương thêm thắt gì không, nhưng trong mắt chúng tôi lúc đó, đó hẳn là chốn phồn hoa đô hội, và mong ước được giáp mặt với thành phố ấy trong tôi lại càng thêm cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Năm 1996, anh trai tôi đậu đại học và khăn gói xuống cư trú dưới TP.HCM, anh tôi bảo mãi đến sau này cũng không thể quên được ngày đầu tiên đặt chân xuống thành phố và cái biệt danh "người nhà quê" mà bạn bè đã đặt cho anh. Cái biệt danh ấy không phải để chế nhạo mà đơn giản là vì bạn bè thấy anh buồn cười quá, mọi thứ đều lạ lẫm, những bất ngờ ố, á của anh đã khiến bạn bè không khỏi phì cười.

Anh tôi học Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, nay là ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia TP.HCM). Buổi đầu mới bước chân xuống mảnh đất phồn hoa ấy biết bao nhiêu bỡ ngỡ, anh bảo cũng chẳng nhớ đã lạc đường biết bao nhiêu lần rồi tự cười đúng là "người nhà quê". Khi đã học năm hai, anh bắt đầu kiếm việc làm thêm, buổi ấy công việc dễ kiếm nhất của sinh viên chính là gia sư, anh học ngành Đông phương học, nhưng với vốn kiến thức của một học sinh giỏi hồi cấp 3 anh vẫn có thể kèm cặp các bạn nhỏ một cách suôn sẻ.

Tôi còn nhớ mãi hồi nghỉ hè năm đó, tôi 11 tuổi, anh đã cho tôi một chuyến du lịch đầu tiên trong cuộc đời - chuyến thăm thú Sài thành mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Dẫu ký ức cũng bị thời gian mài mòn và từng chi tiết tôi không còn nhớ kỹ, nhưng tôi nhớ rất rõ là mình đã hồi hộp và mong đợi chuyến đi đến mức không ngủ được, cứ sợ ngủ quên thì chiếc xe ca (xe đò) sẽ bỏ anh em tôi lại mà phóng vút xuống thành phố, buổi ấy xe hiếm lắm chứ không như bây giờ.

Anh đạp xe chở tôi vòng quanh các con đường anh biết ở TP.HCM rồi chỉ đây là tiệm cơm cô Thương - "quán ruột của anh đó", bữa nào hết tiền cô đều cho thiếu tới tháng lại gom trả, mỗi bữa cô đều cho thêm cơm và đồ ăn, cô bảo thấy anh ốm nhách thương quá, chắc học nhiều nên mập không nổi. Rồi đây là tiệm chè, tiệm bò bía mà thỉnh thoảng anh cùng các bạn lui tới tự thưởng cho mình một bữa ngon vì thành tích học tập vượt trội, rồi rất nhiều nơi đã gắn bó với anh trong gần hai năm đại học. Ngày về anh mua cho tôi cơ man là bánh mì cho cha mẹ và các chị. Nói các bạn không tin, chứ vào những năm ấy món quà mà chúng tôi luôn trông đợi nhất mỗi khi anh ở TP.HCM về chính là những ổ bánh mì không dài thượt.

Năm ba đại học, anh tôi bị xe tải cán qua chân trong một lần đi dạy kèm, người thân không có, những cô chú bán hàng bên đường đã vội đưa anh đi cấp cứu mà không màng đến việc bỏ cả hàng quán. Có một cô còn tình nguyện ở lại chăm sóc anh tôi 2 ngày cho đến khi cha mẹ tôi chạy được tiền đem xuống. Có người nói "Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo", tôi thấy đâu có đúng. Anh tôi rất nghèo thậm chí còn là một "người nhà quê" mà vẫn được thành phố này bao bọc trong suốt quãng đời sinh viên nghèo khó, đối đãi rất tử tế đó thôi.

Sau lần rong chơi với thành phố trở về thì quan niệm của tôi về Sài Gòn – TP.HCM là một thứ gì đó khó với tới đã không còn. Thành phố này thì ra cũng rất bình dị và gần gũi, người Sài thành cũng rất hòa đồng và đáng mến. Tôi lựa chọn học tập và làm việc tại quê nhà nên chỉ thi thoảng chị em chúng tôi rủ nhau đi TP.HCM để xem nơi đây đã đổi khác bao nhiêu.

Người nhà quê - Ảnh 3.

Đường sách TP.HCM, một trong những không gian xanh mát thu hút giới trẻ và du khách

Thiên Anh

Và mỗi lần đến TP.HCM, chúng tôi lại thấy mình đúng là những "người nhà quê" không lẫn vào đâu được. Thành phố thay đổi và phát triển nhanh quá, như cô bé mới năm nào còn nắm chặt gấu áo mẹ mỗi khi ra đường, giờ đã chuyển mình thành cô gái xinh đẹp, trưởng thành và hiện đại. Nếu không có "chị Google" thì tôi cũng chẳng khác gì anh mình ngày xưa, không tìm được lối đi giữa phố phường tấp nập. Dẫu không được ở nơi đây nhưng vẫn rất cảm ơn thành phố này khi đã dang tay dung nạp, ấp ôm, chở che những "người nhà quê" như anh tôi và nhiều mảnh đời khác nữa. Đối với TP.HCM, anh em tôi luôn muốn mình mãi là "người nhà quê" để mỗi lần gặp lại đều như gặp được điều gì đó thật mới mẻ nhưng rất đỗi thân thương…

"Sài Gòn một lần ta đến

Một lần mới một lần thôi

Sao đã đem lòng yêu mến

Khi xa chợt thấy bồi hồi..."

(Thương quá Sài Gòn – tác giả: Nguyễn Đình Huân)

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Người nhà quê - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.