Người lao động nghỉ phép năm, công ty có được từ chối?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
09/04/2023 12:28 GMT+7

Nếu người lao động có lý do chính đáng để nghỉ phép năm mà công ty từ chối thì công ty phải cho biết lý do, thời gian cụ thể người lao động có thể nghỉ phép.

"Nếu tôi có lý do chính đáng để nghỉ phép năm của công ty mà phía nhân sự công ty không duyệt đơn nghỉ phép cho tôi thì tôi cần phải làm gì?", bạn đọc Lê Huỳnh (TP.HCM) thắc mắc.

Luật sư tư vấn

Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM, Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn) cho biết, theo bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và thông báo trước cho người lao động biết.

Từ đó, căn cứ lịch nghỉ này, người lao động có thể tự chủ động chuẩn bị, sắp xếp để nghỉ phép theo quy định công ty.

Nếu như công ty không xây dựng lịch nghỉ hằng năm cụ thể, thì người lao động có quyền nghỉ theo lịch nghỉ riêng, thủ tục thực hiện theo nội quy công ty.

Cần làm gì nếu nghỉ phép năm chính đáng mà công ty từ chối? - Ảnh 1.

Công ty phải cho biết lý do và thời gian cụ thể có thể được nghỉ phép nếu không duyệt đơn nghỉ phép năm của người lao động

NHẬT THỊNH

Nhưng nếu người lao động có lý do chính đáng để xin nghỉ phép (như cưới hỏi; ma chay; giỗ chạp; khám thai định kỳ; bản thân, chồng/vợ, con bị bệnh phải nhập viện cần chăm sóc…) mà công ty vẫn từ chối thì phía công ty phải cho biết lý do đơn xin nghỉ phép của người lao động không được duyệt cũng như thời gian cụ thể người lao động có thể được nghỉ phép.

Trường hợp công ty không chấp nhận việc xin nghỉ phép mà không cho biết lý do, thời gian người lao động có thể nghỉ cụ thể, thì người lao động cần liên hệ với tổ chức công đoàn cơ sở tại đơn vị để được hỗ trợ giải quyết quyền lợi của mình.

Sau khi liên hệ với công đoàn mà người lao động vẫn không được hỗ trợ cụ thể, thì có thể làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo công ty.

Nếu công ty không giải quyết thỏa đáng cho người lao động, thì có thể làm đơn gửi đến Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH, nơi công ty đặt trụ sở chính để được xem xét giải quyết.

Ngoài ra, theo luật sư Trương Văn Tuấn, theo Nghị định 12/2022 có quy định phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, công ty có thể bị phạt từ 4 - 10 triệu đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.