Người dân cần làm gì khi bị lừa đảo trực tuyến ?

Trần Cường
Trần Cường
09/09/2023 07:20 GMT+7

Như đề cập của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hôm qua, một trong những nguy cơ tiềm ẩn từ không gian mạng là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến.

Theo Bộ Công an, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi; nhắm đến nhiều nhóm đối tượng, từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng cho đến phụ huynh. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong tổng số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin nêu tên, việc giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để thực hiện cuộc gọi lừa đảo cũng diễn ra rất phổ biến.

Nạn nhân của các hình thức lừa đảo này thường là nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em... Do vậy, Bộ TT-TT đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh việc định danh cuộc gọi của cơ quan công quyền, trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ xây dựng sổ tay online nhằm cung cấp kiến thức cho người dân về các kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Công an TP.HCM: Tất cả cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo

Về phía Bộ Công an, cơ quan này khuyến cáo nếu bị lừa đảo, người dân cần dừng ngay việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ đối tượng tội phạm; liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch. Nạn nhân cũng cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú; đồng thời cảnh báo cho gia đình, bạn bè để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

Trường hợp thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính; tạo mật khẩu mới mạnh hơn; chặn hoặc không trả lời bất kỳ ai mà mình không biết và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào.

Nếu không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, người dân có thể liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin: Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng)… để được hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.