Người gửi tiền chuyển vốn đi đâu?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/08/2023 06:29 GMT+7

Lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm khiến lượng tiền gửi tại các ngân hàng liên tục đi xuống. Nhiều người đang tìm nơi gửi gắm số vốn nhàn rỗi nhưng điều này không hề đơn giản bởi các kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ xu hướng.

Lãi tiết kiệm còn một nửa

Mấy ngày nay, chị N.H đang phân vân việc mua trái phiếu doanh nghiệp do Tập đoàn Vingroup phát hành để cho Công ty VinFast vay với lãi suất cao hơn gửi ngân hàng (NH). Chị N.H có sổ tiết kiệm đáo hạn, gửi lại tại VCB lãi suất cả năm chỉ còn 6,3%, quá thấp so với vài tháng trước đây. Làm công ăn lương, có hơn tỉ bạc tiết kiệm nên chị N.H tính toán rất chi li việc sinh lời cho đồng vốn của mình. Trước kia, chị thường gửi ở những NH cổ phần nhỏ để hưởng lãi suất cao. Nhưng từ cuối năm 2022, chị chuyển sang gửi VCB cho yên tâm. "Lúc đó, lãi suất của NH này vẫn cao, cũng 8 - 9%. Nhưng giờ chỉ còn hơn 6%, kỳ hạn 6 tháng chỉ còn hơn 5% nên tôi đang phân vân quá", chị N.H chia sẻ.

Người gửi tiền chuyển vốn đi đâu?  - Ảnh 1.

Dòng tiền đang dần dịch chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán

NGỌC THẮNG

Thực tế, so với mức lãi suất từ 6 - 9%/năm, thậm chí có NH huy động lên 11 - 13%/năm hồi tháng 1 và tháng 2, hiện lãi suất tiết kiệm đã được kéo về mức 3 - 7,8%/năm. Vì thế, nhiều người đang tính toán lại khoản vốn nhàn rỗi sao cho sinh lời nhất, giống như chị N.H. Đó cũng là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi của người dân vào NH liên tục sụt giảm.

Theo dữ liệu gần nhất từ NH Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống NH tính đến cuối tháng 5 ở mức 6,347 triệu tỉ đồng, tăng thêm 15.000 tỉ đồng so với tháng trước đó và tăng 8,21% so với cuối năm 2022, tương ứng 482.000 tỉ đồng. Đây là tháng có mức tăng tiền gửi của cá nhân thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và chưa bằng 1/10 so với lượng tiền gửi tăng thêm mức kỷ lục hồi đầu tháng 1 (tháng 1 tăng 178.000 tỉ đồng). Những tháng sau đó, lượng tiền gửi của người dân tăng chậm lại và mất dần phong độ.

Nhưng rút tiết kiệm thì chuyển vốn đầu tư vào đâu? Không dễ có câu trả lời với nhiều người. Anh Q.N (ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ gia đình anh có một khoản tiền dành cho con đi du học năm sau. Số tiền này lâu nay anh vẫn gửi tiết kiệm, hưởng lãi. Giờ lãi suất giảm, anh cũng muốn tìm chỗ gửi gắm sinh lời lớn hơn nhưng lại e ngại. "Đầu tư vào nhà đất tôi không lo lỗ nhưng lại sợ khi cần không bán được ngay. Chứng khoán thì không am hiểu nên loại ngay từ đầu. Nhiều bạn bè rủ mua trái phiếu của Vingroup, tôi thấy tập đoàn này uy tín, lãi suất cũng hấp dẫn nhưng vẫn lo lo nên chưa quyết hẳn", anh Q.N cho hay.

Điều đáng nói là trong khi tiền gửi của người dân có xu thế giảm thì lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại có xu hướng tăng mạnh, thêm 94.000 tỉ đồng vào hệ thống NH, lên 5,748 triệu tỉ đồng.

Nhận xét về thực trạng trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng tiết kiệm giảm, người dân có thể chọn mua chứng khoán, bất động sản... nhưng doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh không có đơn hàng nên chọn gửi tiền NH để bảo toàn đồng vốn. Trong khi đó, chứng khoán rủi ro cao, DN mua vào đến khi cần tiền sản xuất lại không thể xoay kịp.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt ra 2 khả năng trước tình hình lượng tiền gửi của cá nhân tăng chậm nhưng tổ chức kinh tế lại tăng nhanh trong hệ thống NH. Đó là các tổ chức kinh tế có dấu hiệu hồi phục nên thanh khoản cũng như lượng tiền gửi của họ tăng lên. Thế nhưng cũng có thể rơi vào trường hợp là tổ chức kinh tế không có nhiều đơn hàng nên buộc phải gửi tiền vào NH kiếm lãi, chờ cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng muốn biết rõ xu hướng dòng tiền dịch chuyển đi đâu thì phải chờ thêm, vì hiện nay một lượng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao đang còn thời hạn ở NH. Trong vài tháng tới, khi sổ tiết kiệm đáo hạn, gặp phải mức lãi suất thấp sẽ thể hiện rõ hơn sự dịch chuyển sang các kênh như chứng khoán, bất động sản.

Chứng khoán có kéo theo bất động sản ấm lên?

Xu hướng lâu dài thì còn phải đợi nhưng chứng khoán sôi động lên là điều khá rõ ràng. Theo Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng tiền đã quay trở lại thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 7 tăng 8,17% so với tháng 6, ở mức 18.269 tỉ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với mức đáy hồi tháng 3, ở mức 7.900 tỉ đồng. Các giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân là động lực chính cho thị trường trong 6 tháng đầu năm.

Số tiền gửi của NĐT cũng như lượng tài khoản mở mới tăng trở lại. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán VN (VSD) cho thấy tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường VN tính tới cuối tháng 7 đạt gần 7,5 triệu tài khoản, tăng gần 151.000 tài khoản so với đầu tháng. Trong đó, lượng tài khoản cá nhân mở mới trong nước đạt trên 150.000 tài khoản, chiếm 99,8% số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7. Con số mở mới tăng hơn 3% so với tháng trước. Thống kê từ các công ty chứng khoán, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng 67.000 tỉ đồng (tương đương 2,9 tỉ USD), tăng khoảng 9.000 tỉ đồng so với quý trước.

Khi nào thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, NĐT kiếm lời lớn từ thị trường này thì dòng vốn sau đó mới có thể chuyển dịch sang bất động sản. Thị trường nhà đất lúc này mới hồi phục. NĐT hiện nay vẫn còn tìm hiểu thị trường là chính bởi thu nhập khó khăn nên chưa thể mạnh dạn vay tiền NH để mua bất động sản.

Ông Nguyễn Hữu Huân (Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Theo kỳ vọng của VDSC, tiền gửi của các NĐT tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỉ đồng, tăng 10.000 - 20.000 tỉ đồng so với mức cuối quý 2/2023. Từ đó, thanh khoản bình quân dự báo dao động trong khoảng 18.000 - 20.000 tỉ đồng/phiên cho giai đoạn nửa cuối năm. Chừng nào lãi suất còn duy trì ở mặt bằng thấp như hiện nay thì NĐT sẽ tiếp tục tái đầu tư vào chứng khoán.

Theo nhận định của VDSC, lợi suất của chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Đơn cử như vàng, về cơ bản không mang lại lợi nhuận kể từ đầu năm và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất cao trong suốt năm 2023 khiến giá vàng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm. Lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể và sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian còn lại của năm. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời của chứng khoán vẫn đang nhỉnh hơn lãi suất tiết kiệm.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, dòng tiền vào thời điểm cuối năm có thể sẽ dịch chuyển qua kênh chứng khoán. Hiện nay, chỉ số sản xuất đã tăng lên trong tháng 7, nhu cầu sử dụng vốn của các DN dự báo gia tăng vào những tháng cuối năm khi họ kiếm được các đơn hàng xuất khẩu, cũng như nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên. Đối với thị trường bất động sản hiện nay, dòng tiền sẽ tìm kiếm các phân khúc giá trung bình, nhà ở xã hội hay nhà đất giá rẻ. Thị trường vẫn còn rung lắc nên NĐT vẫn chưa thể mạnh tay xuống tiền.

Tương tự, chuyên gia Nguyễn Hữu Huân nhận định: "Khi nào thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, NĐT kiếm lời lớn từ thị trường này thì dòng vốn sau đó mới có thể chuyển dịch sang bất động sản. Thị trường nhà đất lúc này mới hồi phục. NĐT hiện nay vẫn còn tìm hiểu thị trường là chính bởi thu nhập khó khăn nên chưa thể mạnh dạn vay tiền NH để mua bất động sản".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.