Nghi vấn sông Sa Lung bị đầu độc: Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị báo cáo gì?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
24/10/2023 12:02 GMT+7

Trong báo cáo tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chiều 23.10, Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị nêu rất nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến tình trạng ô nhiễm sông Sa Lung (H.Vĩnh Linh).

Kết quả quan trắc 'càng về sau càng diễn biến xấu'

Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã thực hiện việc quan trắc thường xuyên trên sông Sa Lung trong nhiều năm gần đây.

Kết quả quan trắc định kỳ các năm 2021, 2022, thông số TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước) và Fe tăng cao vào mùa mưa; nồng độ DO (lượng oxy hòa tan trong nước) trên sông Sa Lung đều không đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt. Đặc biệt, vào tháng 5.2023, đã phát hiện tại 3/4 điểm quan trắc có giá trị đo của thông số (NO2-N) vượt giới hạn B2 của quy chuẩn 12 lần.

Có gì trong báo cáo tổng thể của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu nước tại các khu vực nghi ô nhiễm trên sông Sa Lung

THANH LỘC

Kết quả, chất lượng nước sông Sa Lung vào tháng 4.2023 cho thấy, có 1 thông số (TSS) vượt giới hạn của quy chuẩn 2,2 lần. Tệ hơn, kết quả quan trắc chất lượng nước sông Sa Lung ngay chân đập Sa Lung, tại thời điểm xả đập (ngày 5.9.2023) cho thấy, có 2 thông số (Coliform và E.coli) vượt giới hạn của quy chuẩn, trong đó có thông số E.coli cao bất thường (vượt giới hạn quy chuẩn 47,6 lần).

Căn cứ kết quả kiểm tra các đơn vị sản xuất, kết quả quan trắc nước sông, Sở TN-MT Quảng Trị nhận định chất lượng nước sông Sa Lung diễn biến xấu vào một số thời điểm cho thấy đã có xả thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép từ sản xuất công nghiệp, chăn nuôi vào nguồn nước sông.

Đã xử phạt các doanh nghiệp nhiều lần

Cũng theo Sở TN-MT Quảng Trị, từ năm 2018 đến nay đã liên tục thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị sản xuất công nghiệp trên lưu vực sông Sa Lung. Sở và lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm và cũng đã nhiều lần xử phạt.

Cụ thể, tháng 10.2018, Sở TN-MT Quảng Trị xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Bắc Trung Bộ với mức xử phạt 60 triệu đồng. Tháng 12.2022, Sở TN-MT Quảng Trị phối hợp UBND H.Vĩnh Linh kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà máy chế biến mủ cao su của DNTN Trần Dương và phạt hành chính 70 triệu đồng. 

Trong tháng 6.2023, Đoàn kiểm tra do Sở chủ trì đã rà soát việc chấp hành pháp luật về môi trường các đơn vị, đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Nhà máy sản xuất giấy Công ty CP Bắc Trung Bộ (mức xử phạt đề xuất 100 triệu đồng).

Có gì trong báo cáo tổng thể của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị? - Ảnh 2.

Đường ống xả thải ra sông Sa Lung của Nhà máy chế mủ cao su - Công ty TNHH MTV Đức Hiền bị phát hiện hồi tháng 9.2023

THANH LỘC

Trong đợt tháng 9 và 10 năm 2023, Tổ công tác địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện một số đơn vị có hành vi xả nước thải có các thông số vượt Quy chuẩn cho phép ra môi trường (Nhà máy chế mủ cao su - Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Nhà máy giấy - Công ty CP Bắc Trung Bộ ). Sở TN-MT Quảng Trị phối hợp địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và UBND huyện đã xử phạt đối với Công ty TNHH Đức Hiền 50 triệu đồng, riêng vụ Nhà máy giấy - Công ty CP Bắc Trung Bộ đang trình UBND huyện xem xét xử lý vi phạm hành chính.

Vẫn chưa tìm ra chính xác nguồn thải

Báo cáo của Sở TN-MT Quảng Trị cho biết, sau khi bị xử phạt, Nhà máy chế biến mủ cao su - Công ty TNHH MTV Đức Hiền; Nhà máy sản xuất giấy - Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ; Công ty TNHH MTV Trần Dương… đều thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, hoàn thiện hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải... Sở TN-MT Quảng Trị cũng phân bua về những khó khăn trong công tác kiểm tra quản lý xả thải trên sông Sa Lung vì nhiều lý do khách quan, chủ quan.

Có gì trong báo cáo tổng thể của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị? - Ảnh 3.

Tại cuộc họp bàn về ô nhiễm sông Sa Lung vào chiều qua (23.10), ông Võ Văn Hưng (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho rằng thời gian dài mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân là trách nhiệm của ngành chức năng

THANH LỘC

Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không cho phép đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vì vậy, cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành quy định bảo vệ môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của người dân. 

"Đối với việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên sông Sa Lung thời gian dài mà vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân, không xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân là trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành chức năng liên quan. Trước hết phải nhận thấy đó là trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với sinh kế của người dân. Chính vì vậy, yêu cầu các ngành, địa phương cần phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, không được thờ ơ, vô cảm với người dân, cộng đồng", Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Có gì trong báo cáo tổng thể của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị? - Ảnh 4.

Người dân nuôi tôm ở ven sông Sa Lung chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm

THANH LỘC

Về lâu dài, ông Võ Văn Hưng cũng đề nghị các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động trong khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao (cụ thể là khu vực sông Sa Lung) để kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý.

Sông Sa Lung chảy qua địa phận nhiều xã, thị trấn của H.Vĩnh Linh với chiều dài 59 km, độ sâu trung bình khoảng 3 - 6 m. Mục đích sử dụng nước hiện tại của sông Sa Lung chủ yếu là cấp nước tưới cho 419 ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản; cấp nước phục vụ sản xuất trong lưu vực, vùng thượng nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt.

Các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước sông Sa Lung gồm: sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi lợn. Trong đó, từ sản xuất công nghiệp gồm: Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị (lượng thải khoảng 383 m3/ngày đêm), Nhà máy sản xuất giấy của Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ (lượng thải khoảng 30 m3/ngày đêm), Cơ sở chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Trần Dương (lượng thải khoảng 23 m3/ ngày đêm). Từ hoạt động nuôi tôm, không qua xử lý thải ra sông Sa Lung ước tính khoảng 1.600.000 m3/vụ (Vĩnh Lâm khoảng 22 ha, Vĩnh Sơn 97 ha, Hiền Thành 13 ha). Ngoài ra, nước thải từ các trang trại lợn quy mô vừa và nhỏ (2 trang trại quy mô khoảng 100 con, 7 hộ chăn nuôi từ 30 - 50 con), hiện chưa có thống kê đầy đủ lượng nước thải.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 24.10


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.