Gà trống nuôi con - Kỳ 3: Cha con nhà 3 điểm 10

06/02/2009 10:52 GMT+7

Hai bà cụ đang bỏm bẻm nhai trầu ở đầu làng Trịnh Thôn (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhiệt tình chỉ đường: “Nhà Hùng có thằng cu ba điểm 10 chứ gì? Qua ngã ba rẽ trái”.

“Cha con nhà ba điểm 10” là cách gọi hóm hỉnh đầy tự hào mà những người trong làng thường nói khi nhắc tới ông Lê Đình Hùng và cậu con trai Lê Đình Hưng - thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ thi đại học năm 2008.

Căn nhà luôn có tiếng cười. Hưng cười khì khì nhìn bố bảo: “Bố lúc nào cũng thế, ít khi cười lắm”. Bao nhiêu hồn nhiên trong tiếng cười cu Bờm (tên gọi ở nhà của Hưng) là bấy nhiêu nỗi niềm trên khuôn mặt người cha ấy. Vợ mất đã bốn năm, ông Hùng một mình gồng gánh hai con từ lúc đứa đầu chuẩn bị thi đại học, đứa thứ hai mới vào lớp 10 giữa làng quê nghèo khó tới lúc vào đại học.

Để con bớt ưu tư

Cả làng Trịnh Thôn ai cũng biết gia đình ông Hùng, bà Dung làm ruộng, bán trứng ở chợ làng có hai đứa con vừa ngoan vừa học giỏi. Vợ chồng ông tảo tần sớm hôm với đàn bò dăm ba con để lấy tiền cho con ăn học. Vất vả với miếng cơm manh áo nhưng lúc nào họ cũng tự vun vén để con cái không lo lắng chuyện tiền nong ảnh hưởng tới việc học. Vì thế mà Bờm hay cười, chị gái tên Lê Thị Mai đang học cao đẳng ngân hàng cũng thường pha trò rất hồn nhiên. Ngay cả bây giờ khi Hưng và Mai đi học ở Hà Nội, ông Hùng cũng một mình chạy vạy để hai con không phải vất vả lúc xa nhà.

Sau khi vợ mất, cô con gái lớn của ông Hùng sắp thi vào đại học. Nhà chỉ có ba gian nhưng rộng thênh thang khi người mẹ, người vợ trong gia đình không còn nữa. Lo ma chay cho vợ xong, ông Hùng gần như kiệt sức vì món nợ trong hai tháng trị căn bệnh “hút của” của vợ. “Số tiền nợ hơn 10 triệu đồng với hai đứa con đang tuổi ăn học có lúc làm tôi choáng váng! Cả đời chỉ làm ruộng mà” - ông Hùng nghẹn ngào kể. Ông nhớ như in lời thỏ thẻ của cô con gái khi đó: “Nhà mình không có tiền để con học thêm ôn thi, hay là bố mua cho con chiếc tivi để xem mấy thầy dạy trên VTV2 nhé”.

Người cha gầy còm đen sạm vì lo âu đang liêu xiêu với những món nợ và nỗi đau mất vợ chỉ muốn bật khóc khi nghe con nói. Nhưng ông cố nén lòng, chạy vạy vay người quen được 2 triệu đồng mua chiếc tivi 14 inch cho con gái và dặn: “Con cố gắng học, bố tuy không có tiền nhưng nếu con ham xem phim thì bố cũng đập tivi đấy!”. Năm đó cô con gái đầu đã không làm ông thất vọng khi đậu vào Trường cao đẳng Ngân hàng ở Hà Nội.

Ông vẫn còn giữ lại chiếc lược ngà của người vợ. Giữa ngôi nhà ngói ba gian là bàn thờ chị Lê Thị Dung, vợ ông. Ông kê giường nằm sát bên bàn thờ vợ. Chỉ sau hai tháng khi phát hiện bệnh ung thư máu, năm 2005 chị Dung mất. Nhắc tới vợ trong những ngày cuối cùng của chị, ông Hùng xúc động: “Đưa mẹ chúng nó đi Bệnh viện Bạch Mai được hai tháng thì người ta bảo đành trả về thôi. Truyền được ba bịch máu là đi”. Năm chị Dung mất cũng là lúc bé Mai thi đại học. Tuy chỉ đậu cao đẳng nhưng với ông Hùng đó cũng là nỗ lực của cô con gái nhỏ trong lúc gia đình gặp chuyện không may: “Miễn là con cái theo được việc học để sau này khỏi vất vả!”.

Từ ngày vợ mất, chỉ còn 7 sào ruộng, một mình ông Hùng làm quần quật trên đồng từ sáng tới tối mịt vẫn chưa xong. Giọt mồ hôi lăn dài giữa cái rét cắt da cũng không bằng nỗi trống trải khi anh nghe tiếng lao xao chuyện trò của hai vợ chồng nhà hàng xóm ở mảnh ruộng kế bên. Vậy mà người đàn ông ấy đã gắng gỏi, tằn tiện chi tiêu để nuôi hai đứa con ăn học. Năm 2008 vừa qua, cậu con trai của ông là người duy nhất trong làng đậu cả hai trường Đại học Y và Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm cao ngất: 28,5 điểm (khối B) và 30 điểm (khối A).

“Bố vẫn chưa mua áo mới”

Tủ quần áo của ba bố con ông Hùng là chiếc rương gỗ đã bị mọt ăn rỗ quanh bốn góc. Hưng kể: “Đã bốn năm nay bố vẫn chưa mua áo mới, toàn mặc lại áo cũ mình mặc chật. Bố nhỏ người hơn mình mà”. Ngày nắng cũng như ngày rét, chỉ với chiếc áo sơmi, chiếc áo len cũ mèm tuột len tứ tung, ông Hùng đẩy chiếc xe thồ chở đồ đi làm ruộng.

Ông Hùng và cu Bờm lấy phân tro rải ruộng chuẩn bị cấy - Ảnh: Lê Vân

Bờm còn hay gọi đùa bố là “chú dân quân thợ đụng” vì mỗi khi đi đâu về lại phải tìm xem bố đang ở góc nào trong ngôi nhà như không bao giờ hết việc. Một năm của ông Hùng được lên lịch như sau: hai mùa lúa và một mùa làm thợ xây lúc chưa tới mùa vụ. Người đàn ông nhỏ thó, nước da sạm nắng thủ thỉ với hai đứa con: “Nhà có mấy chú, mấy bác ai cũng to cao, chỉ mỗi bố là vừa thấp vừa còi!”. Nhưng bà nội của hai đứa con ông Hùng thì bảo: “Hắn như thợ đụng. Sáng mới xin được cây dừa nhà người ta bỏ đi về chẻ củi nấu. Tờ mờ sáng đã ra đồng rải phân tro. Chiều lại đi cào đất chuẩn bị cấy tới tối mịt mới về!”.

Những ngày sau khi người vợ mới 43 tuổi mất vì bệnh ung thư máu, lo toan trong đôi mắt người đàn ông 47 tuổi là những vết nhăn hằn sâu trên khóe mắt làm ông già đi nhiều so với tuổi. Hiếm hoi lắm mới thấy ông cười, ấy là những khi cu Bờm cứ gặng hỏi bố những câu hỏi lém lỉnh: “Hay là bố có dì?”. Nhưng cả hai đứa con của ông đều biết rằng để có những đồng tiền ky cóp hằng tháng gửi cho con đi học, người cha ấy vừa phải đổ mồ hôi trên ruộng cày cấy hay chạy vạy vay mượn những lúc nông nhàn. Lúc rảnh ông Hùng lại tham gia đội dân phòng của làng để khỏa lấp nỗi nhớ con đi học xa. Ông bảo: “Tuy không may phải sớm lẻ loi nhưng được cái là con cái từ bé tới lớn đều học giỏi và ngoan”.

Khi chúng tôi tới nhà, cậu thủ khoa và người cha chỉ cao ngang vai con đang hì hụi lấy phân tro đi bón ruộng. Trái với cu Bờm luôn miệng cười nói là ông Hùng cứ cặm cụi làm, hiếm hoi lắm ông mới phì cười vì cu Bờm pha trò. Cô con gái ông Hùng thì đang thổi bếp rơm nấu mì ăn để chuẩn bị bắt xe ra Hà Nội học. Con đường từ làng Trịnh Thôn ra quốc lộ trưa mồng 6 tết tấp nập hơn ngày thường. Đó là bởi dòng người từ trong thôn với những cô cậu sinh viên của làng khăn gói ra Hà Nội. Hòa vào dòng người ra quốc lộ đón xe cho con, ông Hùng đạp chiếc xe thồ chở bao gạo, mì, bánh mà ông gom lại để hai đứa con mang lên trường. Rồi ông Hùng trở về nhà một mình, tiếp tục cuộc hành trình miệt mài và lầm lũi để đưa các con đi tới.

Theo Lê Văn/Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Người cha bại liệt và đàn con thơ 
>> Kỳ 2: Quét rác nuôi con vào đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.