Gà trống nuôi con - Kỳ 1: Người cha bại liệt và đàn con thơ

04/02/2009 09:19 GMT+7

Người khuyết tật, người khiếm thị, người quét rác… khó khăn bộn bề nhưng những người cha trong loạt bài này vẫn âm thầm hi sinh cả đời mình để vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi đàn con khôn lớn.

Trong cảnh gà trống nuôi con, họ vẫn làm núi Thái Sơn để con dựa đi tới. “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường”. Nhưng những đứa con côi của họ không “liếm lá ngoài đường” mà trưởng thành, báo đáp công cha.

Mấy hôm nay nhiệt độ ở xóm Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) xuống thấp. Cái lạnh cắt da cắt thịt và những cơn đau âm ỉ từ trong xương trong tủy khiến Lý Văn Trường không sao ngủ được. Mới 5 giờ sáng anh đã trở dậy, chống tay nhoài người qua bốn đứa trẻ đang cuộn tròn xung quanh mình. Rồi anh quờ quạng tìm chiếc nạng gỗ ở đầu giường, lần ra sau nhà ngó đăm đăm lên lưng chừng núi, nơi người vợ thương yêu của anh đang yên nghỉ. Bao kỷ niệm chợt ùa về...

“Gà trống” khuyết tật

Lý Văn Trường lúc nhỏ bị bệnh nằm liệt giường đã từng ước ao được tự do đi lại. Bố của Trường, ông Lý Văn Lộc, vóc người vạm vỡ, nhưng hàng xóm bảo trông ông ấy vậy mà có số khổ. Mấy chục năm trước ông theo gia đình về đây lập nghiệp, từ tay trắng ông Lộc rất chịu khó khai vỡ đất hoang ven chân núi trồng sắn, ngô, chuối... Tưởng sẽ đổi đời, nhưng đùng một cái nhà có năm người thì ba người lăn ra ốm.

 
Anh Trường bên bàn thờ người vợ thương yêu -  Ảnh: T.Đ.

Cậu em kế của Trường thường xuyên lên cơn động kinh, mẹ Trường mắc chứng rối loạn tiền đình, hay ngất xỉu bất thình lình. Trường là con cả trong nhà, mới lên 9 tuổi bị bệnh nặng nhất: sốt bại liệt, đôi chân cứ teo tóp dần. Trong nhà lúc ấy chỉ còn lại cha và bà nội của Trường là khỏe mạnh bình thường. Nhưng nội đã ngoài 70, bao lo toan dồn lên ông Lộc. Tài sản dành dụm bao năm lần lượt ra đi, chỉ còn lại mái tranh không cửa để mọi người có chỗ chui ra chui vào.

Đang là học sinh chăm ngoan lớp 3 ở Trường tiểu học Tân Trào, Trường đã phải xa bạn, xa thầy để gắn thân mình với chõng tre trong góc nhà. Tập đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, cuối cùng chân đã thương tay, ý chí và khát khao mãnh liệt của cậu bé Trường đã chiến thắng bệnh tật. Chân trái Trường đã to dần trở lại và có thể tự đứng lên, còn chân phải cũng có thể duỗi ra, quệt quệt xuống nền nhà. Năm 15 tuổi Trường đã có thể dùng nạng gỗ để tự đi lại. Ngày ngày Trường lần bước ra vườn phụ giúp bố chăm sóc luống rau, rẫy sắn. Hôm nào trời nắng ấm cậu lại chống nạng trườn lên chân núi trước nhà đốn chuối mang về thái ra cho mấy con lợn gầy còm trong chuồng ăn để chúng mau đến ngày mổ thịt, mang ra chợ huyện bán.

Năm Trường 24 tuổi, vào một buổi chiều muộn có hai bà cháu nhỡ đường về quê đã ghé lại căn nhà tranh của bố con Trường. Hỏi ra mới hay người phụ nữ lớn tuổi tên Nhài, cùng quê với mẹ Trường ở thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Còn thiếu nữ kia là Giang, 25 tuổi, cháu của bà Nhài. Tình cờ gặp nhau, thương cảnh nghèo khó, ý chí và tính siêng năng của Trường, cô gái xinh đẹp, lành lặn đã gật đầu lấy Trường làm chồng. Đám cưới đơn sơ của hai người diễn ra một tháng sau đó. Giang về làm dâu, suốt ngày ngoài rẫy phụ bố chồng làm lụng nuôi cả gia đình chồng. Từ ngày có cô con dâu hay làm đỡ đần, cuộc sống gia đình Trường phần nào đỡ khốn khó hơn.

Đôi vợ chồng trẻ còn dành dụm tậu được đôi trâu. Bốn đứa trẻ lần lượt chào đời trong không khí gia đình đầm ấm khiến nhiều chàng trai lành lặn trong làng cũng phải thèm được như Trường. Nhưng số phận đã không mỉm cười với Trường được lâu. Đứa con trai thứ tư chưa thôi bú, vợ Trường bỗng đột ngột bị tai biến, nằm liệt giường. Bao nhiêu tài sản dành dụm được Trường đều bán sạch để lo chạy chữa cho vợ, nhưng chỉ kéo dài được gần tháng…

Làm tất cả để lo cho bọn trẻ

Tiếng khóc ré của đứa con khi tỉnh giấc không thấy bố bên cạnh đã kéo Trường về với thực tại. Anh vội lê bước vào buồng, kéo tấm chăn ủ ấm cho bé út, dỗ giấc cho con. Trường lại quay ra nhóm bếp, bắc chảo rang cơm nguội còn lại từ hôm qua để chuẩn bị cho bốn đứa con lót bụng.

Nói là rang cơm chứ thật ra anh chỉ rưới ít nước lã vào chảo rồi xới cơm lên vì chiếc bình, có thể là đựng dầu ăn hay mỡ heo, đã không còn một giọt dù anh cố chổng ngược lên vỗ vào đáy bình liên tục. Trường lấy nửa bắp su hào bằng nắm tay thái nhuyễn, trộn vào chảo cơm. Anh nói: “Được ăn như vậy chúng nó thích lắm rồi, chứ nhiều bữa không còn cơm thừa đành để bụng đói vào trường”.

 
Anh Trường và bốn đứa con thơ -  Ảnh: T.Đ.

Bọn trẻ lục tục thức giấc. Thấy nhà có khách chúng không dám vòi bố nữa. Chị cả Lý Thị Huệ, 5 tuổi, xúc cơm vào bốn cái bát rồi lần lượt phát cho các em. Chúng ăn ngấu nghiến, một loáng đã hết sạch. Hai cu cậu sinh đôi Lý Văn Anh và Lý Văn Hoàng, 4 tuổi, và đứa út Lý Văn Chiến mới ngoài 2 tuổi lộ rõ dấu hiệu suy dinh dưỡng với cái đầu to không cân đối thân hình.

Cả tháng Trường chỉ đi chợ hai lần. Mỗi lần đi cũng chỉ độ mươi ngàn đồng, chủ yếu mua dầu mỡ, mắm muối, thừa ra đồng nào thì thêm mấy trái su hào, bắp cải để dành ăn suốt cả tháng. Khi lập gia đình Trường được cấp 300m2 ruộng. Mỗi năm làm hai vụ lúa, nhưng cao lắm thu hoạch chỉ được 240kg thóc tươi/vụ.

“Mỗi ngày năm bố con tôi ăn 15 bát cơm, tức là phải nấu 1 cân gạo. Lượng thóc làm ra phơi rồi giã chỉ đủ ăn trong bốn tháng, tám tháng còn lại phải mua gạo chịu, tới vụ mùa ai thuê việc gì thì đi làm trả nợ”, Trường cho biết. Xóm Bòng đã có lưới điện quốc gia cả chục năm nay. Để tiết kiệm tối đa, Trường chỉ mắc một bóng đèn huỳnh quang chữ U bé tẹo và hằng đêm khi có việc cần thiết lắm mới bật lên. “Thế mà mỗi tháng tiền điện cũng mất 1.800-2.000đ đó”, Trường nói.

Thương cảnh “gà trống” khập khiễng một chân nuôi đàn con trẻ, nhiều người dân tốt bụng trong xóm có thức gì ăn được đều mang sang để Trường bồi dưỡng cho các con. Chính quyền địa phương hỗ trợ Trường mua lá cọ lợp lại căn nhà cho bọn trẻ trú mưa nắng. Nhà trẻ xóm Bòng cũng hỗ trợ một phần chi phí để giúp anh nuôi dạy bốn đứa bé.

Nói đến tấm lòng của mọi người dành cho mình, Trường nghẹn ngào: “Tôi mang ơn mọi người nhiều lắm và tự hứa với mình hễ còn sống ngày nào sẽ làm tất cả để lo cho bọn trẻ được chu đáo. Bọn trẻ không còn mẹ thì cần tình thương nhiều hơn, tôi vừa làm cha vừa làm mẹ chúng. Người ta nói mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường. Tôi không bao giờ để các con liếm lá ngoài đường mà sẽ nuôi chúng nên người”.

Theo Tấn Đức / Tuổi Trẻ

-------------------------------------

Vợ bỏ cha con ông ra đi, người đàn ông 40 tuổi một mình xoay xở đủ nghề để nuôi hai con. Đêm đêm quét rác về nhà đã 1g khuya, ông vẫn lầm lũi với tâm niệm: “Nghèo đến đâu cũng phải cho con học đàng hoàng”.

Kỳ tới: Quét rác nuôi con vào đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.