“Nể nang, không phê bình khác gì thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ?”

20/10/2022 08:56 GMT+7

Tại tọa đàm Khuyến khích những tiếng nói thẳng do Báo Thanh Niên tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng tự phê bình và phê bình thẳng thắn, không nể nang là giải pháp hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ T.Ư đến chi bộ; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hoà vi quý" trong sinh hoạt, đánh giá cán bộ… Các chuyên gia tham dự chương trình tọa đàm Khuyến khích những tiếng nói thẳng do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17.10.2022, cho rằng những nguyên tắc sinh hoạt của Đảng hiện nay vẫn còn yếu vì nhiều nguyên nhân.

Báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm Khuyến khích những tiếng nói thẳng

ngọc vũ

"Bác Hồ chúng ta đã dạy tự phê bình như rửa mặt hàng ngày, Bác nói là nếu nể nang mình, thì không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại, thế thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình. Về phê bình, Bác căn dặn là nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ?", PGS-TS Vũ Văn Phúc, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư (bên trái) và PGS-TS Vũ Văn Phúc, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư (bên phải) tham gia tọa đàm.

ngọc vũ

Chỉ ra các vấn đề còn thiếu sót trong công tác phê bình và tự phê bình, ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, công tác tự phê bình hiện nay tập trung vào các ưu điểm, bỏ qua hoặc lược bớt các khuyết điểm đảng viên. Trong khi công tác phê bình cũng còn một số bất cập.

"Phê bình thì đấu đá, người ta hay gọi là “bới lông tìm vết”, nó nặng nề, nó chì chiết, nhân việc phê bình này để hạ bệ nhau đi, cũng là một khuynh hướng chúng ta phải đấu tranh khắc phục, trong thực tế cũng có câu chuyện đó. Đặc biệt là phê bình với người đứng đầu thì cứ mềm mại, vuốt ve, ca ngợi, nó lại như một buổi ca ngợi thành tích ấy. Cả hai cái đó chúng ta đều phải đấu tranh, cần phải khắc phục. Đảng ta cũng đã chỉ ra là phải đấu tranh rồi. Thế còn bây giờ vì sao lại có chuyện đó? Suy cho cùng đó chính là chủ nghĩa cá nhân", ông Hà chia sẻ.

"Phê bình và tự phê bình là bắt buộc, là sự sống còn. Chúng ta không vận hành cái đó, chúng ta chỉ lụi bại thôi, không có cửa nào khác. Nhưng nếu chúng ta nhận thức được điều đó, thì chúng ta phải làm thật hơn. Phần nhận thức đó rất quan trọng, chúng ta phải làm thật, làm thật thì đừng làm hình thức như vừa rồi.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm, Văn phòng Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm.

NGọc vũ

Giải pháp thứ 2 là phải tạo áp lực để phải lắng nghe tiếng nói phản biện. Mà áp lực đó là thành tích thực tế. Mà thành tích thực tế thì không chỉ là phải lắng nghe tiếng nói phản biện mà còn phải chọn được người tài nữa", TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm, Văn phòng Quốc hội cho biết thêm.

Tọa đàm: “Khuyến khích những tiếng nói thẳng” do Báo Thanh Niên tổ chức nhằm đánh giá sâu hơn về vai trò và ý nghĩa của công tác tự phê bình và phê bình. Tại đây, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp từ thực tiễn, góp phần khuyến khích những ý kiến phản biện thẳng thắn, xây dựng Đảng phát triển vững mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.