'Năng suất lao động bằng 12% Singapore, làm sao đại bàng đẻ trứng vàng cho chúng ta?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/10/2023 18:12 GMT+7

Đại biểu Trần Văn Khải nói một khi chưa có "ổ lót" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu và năng suất lao động không được cải thiện thì dù có cơ hội, các "đại bàng công nghệ" sẽ không hạ cánh đẻ trứng vàng cho chúng ta.

Chiều 31.10, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nêu ý kiến về năng suất và phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhìn nhận, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Năng suất bằng 12,2% Singapore, tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản

Ông Khải dẫn đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines.

'Năng suất lao động bằng 12% Singapore, làm sao đại bàng đẻ trứng vàng cho chúng ta?' - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải nêu ý kiến tại phiên họp chiều 31.10

GIA HÂN

Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

"Khi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh thì hiện nay chúng ta có gì? Hay mới chỉ bắt đầu?", ông Khải nêu.

Dẫn số liệu báo cáo của Bộ KH-ĐT, ông Khải cho biết, chỉ riêng lĩnh vực chip bán dẫn, dự báo Việt Nam cần đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn 2025 - 2030. "Điều này cho thấy sự 'khát' nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào!", ông Khải nhấn mạnh.

Chưa có ổ lót, làm sao đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng?

Đặt vấn đề phải làm gì phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm còn lại của nhiệm kỳ, ông Khải cho rằng, việc quan hệ Việt - Mỹ nâng cấp mở ra cơ hội lớn phát triển các ngành sản xuất quan trọng. 

Tuy nhiên, nếu chưa có "ổ lót" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng cho chúng ta?

Đại biểu Trần Văn Khải

Từ đó, ông Khải nhìn nhận, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất lúc này là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động.

"Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Khải nói. 

Đại biểu Hà Nam đồng thời kiến nghị Chính phủ phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động, tạo ra chuyển biến trong thời gian tới.

Cạnh đó, ông đề nghị Quốc hội cần khẩn trương có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động.

'Năng suất lao động bằng 12% Singapore, làm sao đại bàng đẻ trứng vàng cho chúng ta?' - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP.Đà Nẵng) nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Không có chính sách phù hợp, con đường gia công, đóng gói sẽ lặp lại

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP.Đà Nẵng) cho biết, vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Cường cũng cho hay, trong tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ nêu rõ, Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái phát triển bán dẫn của Việt Nam và tích cực nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Do đó, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam rất lớn, với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những tập đoàn quốc tế của Mỹ và các đối tác khác. "Tôi cho rằng đây là cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét quan tâm khai thác thích đáng", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, nguồn tài nguyên đất hiếm và phát triển các ngành liên quan như khai thác khoáng sản, công nghiệp bán dẫn, vi mạch… có thể đem lại tăng trưởng nhất định như vai trò của dầu thô thời gian qua.

"Nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực, tác động lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ không đạt được, con đường công nghiệp gia công, đóng gói sẽ lặp lại", ông Cường nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.