Thủ tướng: Chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục là điểm nghẽn nâng cao năng suất lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
14/01/2023 15:33 GMT+7

Làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác, họ cho biết có 2 băn khoăn về hạ tầng và nguồn lao động, theo Thủ tướng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu tiếp tục là điểm nghẽn nâng cao năng suất lao động. 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ LĐ-TB-XH diễn ra sáng 14.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những hạn chế mà ngành LĐ-TB-XH cần khắc phục trong năm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ tại đạo hội nghị

Nhật Bắc

Chỉ tiêu nâng cao năng suất lao động chưa đạt yêu cầu

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng của ngành LĐ-TB-XH để hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó có những kết quả nổi bật như: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng gần 1% so với năm 2021, lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người, thu nhập bình quân tăng 1 triệu đồng/tháng, đưa hơn 143.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, chỉ tiêu về nâng cao năng suất lao động chưa đạt có một phần trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Trước yêu cầu về lao động ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng có hạn, Thủ tướng cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển nền kinh tế và cuộc cách mạng lần thứ 4, nhất là đào tạo con người, đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho lao động.

“Vừa qua, tôi vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thấy gần như không còn người nước ngoài quản lý. Nhà máy do chúng ta xây dựng, chuyển giao và quản lý, anh em mình làm rất là tốt. Còn Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan điều hành rất chật vật về mô hình sản xuất hợp tác với nước ngoài. Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ rất quan trọng. Nếu chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là phụ thuộc về nhân lực, có những cái mình thua thiệt nhiều quá”.

Từ dẫn chứng trên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Làm chủ về lao động, làm chủ về việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội rất là quan trọng. Chúng ta phải nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động ngày càng tiệm cận với khu vực và thế giới, dần dần thay thế cho các vị trí, công việc do chuyên gia nước ngoài đảm nhận”.

Trong năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Thủ tướng, khi làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác, hầu hết họ cho biết có 2 băn khoăn về hạ tầng và nguồn lao động. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH tập trung vào các ngành nghề mới, liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc

Bên cạnh tồn tại trên, người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ, đồng đều. Bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tự kỷ. Tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy có xu hướng tăng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp...

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH cần tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm như: tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý…

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cần cùng với các bộ, ngành tham gia vào chương trình nhà ở xã hội, cùng nghiên cứu, giải quyết vấn đề trước mắt cho người lao động trẻ thuê nhà, sau đó cho họ mua lại và trả dần sau 10 - 15 năm.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, Bộ LĐ-TB-XH đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân với những chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ. Nhà nước đã dành 104.000 tỉ đồng chi hỗ trợ tới hơn 68 triệu người dân, để cả nước cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch.

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động đã giúp thị trường này phục hồi nhanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Kết quả là tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn gần 2,8% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% lực lượng lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với năm 2021; năm vừa qua đã đưa trên 143.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt hơn 58% kế hoạch năm); lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38% lực lượng lực lượng trong độ tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.