Mỹ cân nhắc viện trợ Ukraine tên lửa tầm bắn 300 km

Mỹ cân nhắc viện trợ Ukraine tên lửa tầm bắn 300 km

05/07/2023 10:14 GMT+7

Washington được cho là nhận thấy “nhu cầu cấp thiết” để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine trong bối cảnh cuộc phản công của nước này bị đình trệ.

Tờ The Wall Street Journal ngày 29.6 dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu đưa tin Mỹ có thể chấp thuận gửi Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) cho Ukraine.

Nguồn tin này cho biết Nhà Trắng cảm thấy cần khẩn trương tăng cường năng lực quân sự của Ukraine, vì sau nhiều tuần tiến hành một cuộc phản công mà nước này đến nay vẫn chưa có bước tiến đáng kể.

Có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km, ATACMS có khả năng tấn công các cơ sở sâu bên trong nước Nga. Các tên lửa này có thể được phóng từ các bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất, vốn đã được Washington cung cấp cho Kyiv.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa cung cấp các loại vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine do lo ngại về khả năng leo thang chiến sự.

Tháng 7.2022, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không bao giờ cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí như vậy vì chúng có thể kích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn nếu được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Mỹ cân nhắc gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine - Ảnh 1.

Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp để tiêu diệt các mục tiêu Nga trong xung đột

BỘ QUỐC PHÒNG ANH

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, các quan chức hiện nói rằng vấn đề đang “chờ phê duyệt ở cấp cao nhất”.

Theo các nguồn tin từ Mỹ và châu Âu, Nhà Trắng có thể thay đổi quan điểm về vấn đề này. Các quan chức châu Âu cũng cho biết họ đã kín đáo thúc giục Mỹ về nhu cầu cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói với Wall Street Journal rằng Kyiv đã nhận được “những dấu hiệu tích cực” về vấn đề này trong những tuần gần đây. Một số biến thể của ATACMS có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ của bán đảo Crimea và đến tận thành phố Voronezh của Nga nằm cách biên giới gần nhất với Ukraine hơn 240 km.

Vào đầu tháng 6, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục Tổng thống Biden cung cấp vũ khí tiên tiến hơn nữa cho Ukraine, bao gồm cả ATACMS. Nhóm lưỡng đảng do Hạ nghị sĩ Jason Crow dẫn đầu đã bác bỏ những lo ngại rằng những vũ khí như vậy có thể làm leo thang xung đột hoặc khiến nguồn cung cấp tên lửa của Mỹ bị cạn kiệt.

Bên cạnh đó, trong khi Mỹ chưa cung cấp ATACMS thì Anh hồi tháng 5.2023 đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow có tầm bắn trên 250 km. Lực lượng Kyiv đã sử dụng loại tên lửa này và gây không ít thiệt hại cho Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.