Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hơn 200.000 ca đột quỵ

Quang Minh Nhật
Quang Minh Nhật
23/11/2023 19:46 GMT+7

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề liên quan bệnh đột quỵ, do Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp tổ chức.

Ngày 23.11, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề cập nhật những tiến bộ trong quy trình cấp cứu đột quỵ và đón chào tiêu chuẩn vàng điều trị đột quỵ do Hội Đột quỵ thế giới chứng nhận.

Tham dự hội thảo có PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ.

Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hơn 200.000 ca đột quỵ - Ảnh 1.

Các bác sĩ trao đổi về bệnh đột quỵ

QUANG MINH NHẬT

Trao đổi với báo chí, BS.CK1 Lư Kim Bằng, Phó trưởng khoa Đột quỵ - Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết, ở Đông Nam Á hiện nay, bệnh đột quỵ có chiều hướng gia tăng và bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Riêng tại Việt Nam, bình quân mỗi năm xảy ra hơn 200.000 ca và khoảng 20% trong số này tử vong do phát hiện trễ, điều trị muộn, xử lý không đúng quy trình. Các biểu hiện méo miệng, xệ mặt, nói khó, yếu tay, đi lệch, nhìn kém… là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra. Mọi người phải hết sức đề phòng.

TS.BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc y khoa, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ thì nên đến ngay trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân giảm 4% tử vong và tăng 4% cơ hội sống sót. Vì vậy để việc kiểm soát đột quỵ hiệu quả và kinh tế, vấn đề thời gian là yếu tố tiên quyết. 

Mỗi năm, Việt Nam xảy ra hơn 200.000 ca đột quỵ - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Phi Hùng (giữa), thay mặt Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, đón nhận tiêu chuẩn vàng điều trị đột quỵ

HỒNG XUÂN

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ thường xảy ra đối với những cá nhân có bệnh nền (huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì…) và các yếu tố nguy cơ cao liên quan hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện. Thống kê cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ đều có khiếm khuyết về thần kinh. Vì vậy, công tác phòng ngừa sâu rộng và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, tiến hành cấp cứu, điều trị đúng quy trình, đảm bảo "giờ vàng" sẽ giúp mọi người vượt qua đột quỵ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.