Metro số 1 'chạy nước rút' về đích

07/11/2023 04:21 GMT+7

Từng nhà ga đang hoàn thiện; những cây cầu đi bộ kết nối chính thức lắp dầm..., tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM đang chạy nước rút về đích.

Những hạng mục quan trọng nhất đã nên dáng nên hình

Khuya ngày 4, rạng sáng 5.11, hàng chục chuyên gia, kỹ sư, công nhân bắt đầu thi công lắp đặt dầm cầu bộ hành cho nhà ga Khu Công nghệ cao, thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Trên tuyến xa lộ Hà Nội đoạn chạy qua công trình, suốt 4 giờ đồng hồ, lực lượng cảnh sát giao thông của Đội CSGT Rạch Chiếc có mặt để tổ chức phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông, nhường một phần đường cho những chiếc xe cẩu hơn 400 tấn, 500 tấn cùng nhiều máy móc, trang thiết bị thực hiện công tác lắp dầm cầu. 

Đây là cầu đầu tiên được lắp đặt trong 9 cầu bộ hành nối các ga trên cao của tuyến metro. Nhánh phải cầu đi bộ nối ga Khu công nghệ cao dài khoảng 80 m, băng qua xa lộ Hà Nội, chia làm ba nhịp (32 m, 26 m và 22 m). Mỗi nhịp gồm hai phiến dầm, tải trọng 46 - 75 tấn. Việc lắp dầm cầu được nhà thầu triển khai sau khi hoàn tất thi công kết cấu phía dưới như cọc khoan nhồi, trụ... Dự kiến, sau khi hoàn thành việc gác dầm cầu bộ hành vào ngày 6.11 sẽ tiến hành lắp phần mái, thi công mặt cầu, biển báo... 

Để hạn chế ảnh hưởng giao thông trên xa lộ Hà Nội và đường Võ Nguyên Giáp, việc thi công gác dầm được nhà thầu thực hiện từ 0 giờ đến 4 giờ thứ sáu và thứ bảy hằng tuần. Sự kiện được đánh giá là cột mốc quan trọng để đánh dấu việc sớm bắt đầu hình thành mạng lưới cầu bộ hành hoàn chỉnh, nối các nhà ga tuyến metro đến tận "ngõ" dân cư.

Metro số 1 'chạy nước rút' về đích - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu bộ hành kết nối metro số 1 ở khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức

MAUR

Theo thông tin từ phía nhà thầu, các cầu được xây dựng kết nối từ tầng trung chuyển khách của các ga trên cao với khu dân cư, trạm buýt dọc bên. Trong đó, một bên cầu băng qua đường song hành phía trái xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn đi Suối Tiên). Ở phía còn lại, cầu vượt qua xa lộ và đường song hành phải, giúp khách an toàn ra vào nhà ga do không phải qua đường. Cầu bộ hành là hạng mục xây dựng kết cấu cuối cùng và cực kỳ quan trọng của dự án tuyến metro số 1. 

Công trình ngoài giúp khách đi lại thuận tiện còn là lối thoát hiểm trong trường hợp nhà ga xảy ra sự cố. Sau cầu đi bộ kết nối ga Khu công nghệ cao, trong tháng 12, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công phần dầm cầu bộ hành ga Bình Thái. Một số cầu khác kết nối ga Phước Long, Rạch Chiếc, Tân Cảng dự kiến được lắp đặt vào tháng 1 và 2.2024.

Xuyên đêm lắp cầu bộ hành nhà ga trên cao của tuyến metro số 1

Trước đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng đầy hứng khởi công bố những hình ảnh nhà ga đầu tiên của tuyến metro số 1 cơ bản hoàn thành sau gần 10 năm thi công - ga ngầm Nhà hát Thành phố. Đây là nhà ga số 2 trong tổng số 14 nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1, khởi công vào ngày 21.8.2014. Sau gần 1 thập niên trải qua bao gian truân cùng tuyến đường sắt đô thị số 1, đến nay, toàn bộ các họa tiết, màu sắc tường, ánh sáng... của ga ngầm đầu tiên mang đậm dấu ấn và phong cách kiến trúc của Nhà hát Thành phố đã nên hình nên dáng. 

Khu vực kiểm soát vé, ghế ngồi chờ của hành khách, cầu thang, các trang thiết bị phục vụ hành khách như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động…, phòng hướng dẫn thông tin đã lắp đặt hoàn thiện, khang trang sạch sẽ, hiện đại không kém gì các nhà ga đường sắt đô thị ở Nhật Bản, Hàn Quốc…

Metro số 1 'chạy nước rút' về đích - Ảnh 2.

Hình ảnh ga metro Nhà hát Thành phố đã hoàn thiện

MAUR

Chỉ ít ngày sau, nhà ga ngầm Bến Thành - nhà ga có diện tích lớn nhất trong 14 nhà ga của tuyến metro số 1 và cũng là nhà ga trung tâm sẽ kết nối với 3 tuyến metro khác (tuyến số 2, 3a và số 4) cũng được thông báo đã cơ bản hoàn thành các phần việc liên quan đến kết cấu chính, hoàn thiện kiến trúc. Một trong những điểm nhấn kiến trúc nổi bật đặc biệt tại nhà ga Bến Thành, mang ý nghĩa biểu tượng cho tuyến metro số 1 là hạng mục giếng trời lấy sáng (toplight) đã hoàn thành toàn bộ phần kiến trúc, hiện lên đẹp lung linh qua ống kính máy ảnh. Phía chủ đầu tư đang tiếp tục thi công cơ điện như lắp đặt hệ thống cửa chắn ke ga, cửa soát vé, máy bán vé, phòng điện, tủ điện chính, hệ thống tín hiệu, thông tin... cũng như các phần việc nhỏ còn lại của công tác kiến trúc.

Gấp rút tuyển nhân lực

Đại diện MAUR thông tin tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM dự kiến sẽ thi công xong vào cuối năm nay và nghiệm thu các gói thầu xây dựng vào đầu năm sau. Tháng 3.2024, việc lắp đặt hệ thống cơ điện của dự án sẽ hoàn thành, đồng thời nhà thầu kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết cũng như hiệu chỉnh từng thiết bị, máy móc, đảm bảo vận hành trơn tru. MAUR đặt mục tiêu giữa năm 2024 sẽ xây dựng xong 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao của tuyến, song song với đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và đào tạo lái tàu, nhân viên vận hành. Sau khi được các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu hoàn thành dự án, tuyến tàu điện sẽ bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 7.2024.

Metro số 1 'chạy nước rút' về đích - Ảnh 3.

Lực lượng kỹ sư, công nhân trắng đêm lắp dầm cầu vượt kết nối tuyến metro số 1

Q.A

Để có thể đưa tuyến metro số 1 vào khai thác thương mại, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là hoàn thiện bộ máy nhân lực vận hành tàu. Mới nhất, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 thông báo tuyển dụng hơn 100 nhân sự bảo dưỡng gói thầu CP3 - Cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Trong đó, riêng nhân sự bảo dưỡng đầu máy toa xe còn thiếu 50 người; nhân sự bảo dưỡng đường ray cần tuyển 23 người; còn lại là các vị trí cho bộ phận thông tin, tín hiệu, cung cấp thiết bị điện… 

Trước đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cũng đã đăng tải thông báo tuyển dụng 291 vị trí bao gồm 142 nhân viên nhà ga phụ trách an toàn và 149 nhân viên nhà ga phụ trách vé. Nhân viên được tuyển dụng sẽ được tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ liên quan đến vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết sau khi đăng tải thông tin tuyển dụng, đã có đông đảo bạn trẻ tham gia nộp hồ sơ. Đây là một ngành nghề mới, được tiếp xúc với văn hóa metro mới mẻ nên các bạn trẻ rất hào hứng. Trong tương lai, TP.HCM cũng như các đô thị lớn của VN đều xác định đường sắt đô thị là loại hình giao thông công cộng buộc phải phát triển để giảm tải tình trạng ùn tắc, vì thế, đây là công việc ổn định, thú vị và có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. 

Hiện nay, các học viên lớp Kỹ thuật viên Điều độ đường sắt đô thị tham gia đợt 1 chương trình đào tạo thực tế tại Nhật Bản đã hoàn thành khóa học và về nước, sẵn sàng cho công tác vận hành thương mại của tuyến metro số 1 vào năm 2024. Thời gian tới, các học viên sẽ tiếp tục được đào tạo lý thuyết chuyên sâu cũng như thực hành do Tư vấn chung NJPT và các nhà thầu thuộc dự án đào tạo ở VN, trực tiếp trên tuyến metro số 1.

Theo phương án giá vé tuyến metro số 1 đang được Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến, vé lượt sẽ áp dụng theo cự ly chuyến đi. Giá vé thấp nhất 12.000 đồng nếu khách đi từ 5 km trở xuống; 14.000 đồng với lộ trình 5 - 10 km; 16.000 đồng cho chặng 10 - 15 km và 18.000 đồng với cự ly 15 km trở lên. Vé tháng áp dụng chung 260.000 đồng. Ngoài ra, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt được đề xuất 40.000 đồng và 90.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.