Mất sổ đỏ vì dự án 'ma'

11/01/2024 07:30 GMT+7

Hàng chục hộ dân tại H.Đăk Tô (Kon Tum) mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi tham gia dự án trồng rừng nên không thể vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế hay chuyển nhượng, buôn bán tài sản.

Thu gom sổ đỏ để trồng rừng ?

Là nạn nhân trong vụ việc, nhiều năm qua, ông Nguyễn Đình Kim (73 tuổi, trú thôn 5, xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô) liên tục đến UBND xã, huyện đề nghị hỗ trợ cấp lại sổ đỏ. Tuy nhiên, vì một số vướng mắc nên cơ quan chức năng chưa thể cấp mới sổ đỏ cho gia đình ông.

Mất sổ đỏ vì dự án 'ma'- Ảnh 1.

Không có sổ đỏ, ông Nguyễn Đình Kim không thể vay vốn, phát triển kinh tế

TRANG ANH

Ông Kim cho biết, năm 2009 Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân (gọi tắt: Công ty Quý Nhân) đến xã Tân Cảnh tìm gặp người dân để thông tin về việc đang thực hiện dự án trồng rừng. Theo dự án này, người dân có đất khi liên kết với công ty thực hiện dự án sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Công ty còn nhờ ông Mai Đức Cẩm (trú thôn 4, xã Tân Cảnh) đứng ra thu gom sổ đỏ của người dân trên địa bàn.

Ban đầu, phía Công ty Quý Nhân chỉ yêu cầu người dân nộp bản photo sổ đỏ. Tuy nhiên, sau đó với lý do chứng thực hồ sơ, công ty này yêu cầu nộp sổ đỏ bản gốc cho ông Mai Đức Cẩm. Ông Cẩm đã viết giấy biên nhận với từng hộ và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sổ đỏ của người dân bị thất lạc. Vì vậy, hàng chục người dân đã nộp sổ đỏ cho Công ty Quý Nhân. Để rồi sau đó vài năm, họ không hề nhận được khoản tiền hỗ trợ như đã hứa hẹn, còn nhân viên của công ty đã đi đâu mất. Lúc này, người dân trình báo cơ quan công an và phát hiện mình bị lừa mất sổ đỏ.

"Phần lỗi là do người dân chúng tôi không cảnh giác, ham cái lợi trước mắt nên mới bị người ta thu gom sổ đỏ đem đi mất. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp mới sổ đỏ để yên tâm canh tác, sản xuất hoặc vay vốn làm ăn", ông Kim nói với PV Thanh Niên.

Ông Vũ Đình Tuynh (63 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Cảnh) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Tuynh có 1,6 ha đất trồng cà phê tại thôn 5, xã Tân Cảnh. Khi nghe phía Công ty Quý Nhân nói nếu tham gia dự án trồng rừng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, ông không ngần ngại nộp sổ đỏ cho công ty này. Đến năm 2011, không thấy được cấp tiền hỗ trợ như đã hứa trong khi sổ đỏ thì không được trả lại, ông Tuynh cùng nhiều người dân đến cơ quan công an trình báo. Ông Tuynh cho biết nhiều năm qua không có sổ đỏ khiến gia đình ông không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, cũng như không thể buôn bán, chuyển nhượng lô đất trên.

Công ty "mất dạng"

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, cho hay người dân bị lừa thu gom sổ đỏ chủ yếu ở các thôn 4, thôn 5 của xã. Theo ông Hưng, trong vụ việc có một phần lỗi của người dân khi không đề cao cảnh giác. UBND xã cũng đã nhiều lần đề nghị các cấp thẩm quyền hỗ trợ cấp mới sổ đỏ cho các nạn nhân.

Mất sổ đỏ vì dự án 'ma'- Ảnh 2.

Bản gốc sổ đỏ đã mất, ông Kim chỉ còn lưu lại bản photo

"Sổ đỏ bị mất gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong việc vay vốn đầu tư, mua bán, chuyển nhượng tài sản. Vụ việc đã phát sinh từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu do sổ đỏ gốc vẫn đang còn thất lạc, nếu cấp sổ đỏ mới sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác", ông Hưng giải thích.

Theo Phòng TN-MT H.Đăk Tô, Công ty Quý Nhân đã thu gom 40 sổ đỏ của hàng chục người dân trên địa bàn xã Tân Cảnh, xã Ngọc Tụ và TT.Đăk Tô (H.Đăk Tô). Đến nay, công ty này vẫn chưa trả lại 31 sổ đỏ cho các hộ dân. Trong đó, thị trấn Đăk Tô có 11 hộ với 19 sổ đỏ, xã Tân Cảnh có 11 hộ với 12 sổ đỏ.

Sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Mai Đức Cẩm (người đứng ra thu gom sổ đỏ cho Công ty Quý Nhân) cũng chỉ là nạn nhân trong vụ việc. Hợp đồng thu gom sổ đỏ để tham gia dự án trồng rừng giữa người dân và Công ty Quý Nhân không có. Dự án trồng rừng từ năm 2009 đến nay cũng không được triển khai. Hiện ông Cẩm đã qua đời, các hộ dân bị thu gom sổ đỏ có dấu hiệu bị lừa đảo, đơn vị thu gom sổ đỏ không còn tồn tại.

Công an tỉnh Kon Tum đã liên hệ tìm chủ dự án nhằm lấy lại sổ đỏ cho người dân nhưng không tìm thấy. Ông Nguyễn Viết Quý, Giám đốc Công ty Quý Nhân, đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, không biết đi đâu.

Theo ông Đặng Hoài Nam, Chủ tịch UBND H.Đăk Tô, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, tổng hợp và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.