13 năm vẫn chưa xử xong vụ án '2 lần cấp sổ đỏ'

Ngân Nga
Ngân Nga
24/12/2023 06:18 GMT+7

Một vụ mua bán đất cách đây 24 năm, trải qua 2 lần cấp sổ đỏ, 4 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và 1 phiên giám đốc thẩm, dù vụ án kéo dài đã 13 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Bán đất xong, 10 năm sau mới tranh chấp

Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Trương Văn Than và bà Nguyễn Thị Phượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, trong đó có 2 người con. Tháng 1.1999, vợ chồng bà Phượng chuyển nhượng cho bà Võ Thị Hồng Cúc 4.000 m² đất với giá 22 lượng vàng. Bà Phượng đã nhận đặt cọc 2 triệu đồng.

Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Nguyệt tha thiết mong tòa sớm đưa vụ án ra xét xửảnh: NVCC

Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Nguyệt tha thiết mong tòa sớm đưa vụ án ra xét xử

NVCC

Sau khi nhận tiền đặt cọc, bà Phượng giao bản chính sổ đỏ cho bà Cúc. Tuy nhiên, phía vợ chồng bà Phượng cho rằng bà Cúc không giao tiền, không chịu làm thủ tục chuyển nhượng dù ông bà đã nhiều lần hối thúc. Ngược lại, phía bà Cúc cho rằng đã trả đủ 20 lượng vàng, nên vợ chồng bà Phượng mới giao bản chính sổ đỏ.

Đến tháng 9.1999, bà Cúc chuyển nhượng mảnh đất trên cho vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Nguyệt với giá 32 lượng vàng. Đến năm 2008, vợ chồng bà Nguyệt được UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) cấp sổ đỏ. Năm 2010 khi vợ chồng bà Nguyệt san lấp đất thì phát sinh tranh chấp.

Bốn lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm

Giữa năm 2010, vợ chồng bà Phượng khởi kiện ra TAND H.Bình Chánh, yêu cầu tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng, hủy sổ đỏ của UBND H.Bình Chánh cấp cho vợ chồng bà Nguyệt…

Tháng 11.2011, TAND H.Bình Chánh xét xử sơ thẩm lần đầu, đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Phượng về việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập giữa các bên là vô hiệu. Kiến nghị UBND H.Bình Chánh thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng bà Nguyệt. Hộ gia đình bà Phượng được quyền làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ. Đồng thời vợ chồng bà Phượng phải trả lại 600 triệu đồng chi phí san lấp đất cho vợ chồng bà Nguyệt…

Sau đó, vợ chồng bà Nguyệt và bà Cúc làm đơn kháng cáo. Năm 2012, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, hủy bản án sơ thẩm trên.

Xét xử sơ thẩm lần 2, năm 2013, TAND H.Bình Chánh đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Phượng, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên là vô hiệu; thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho vợ chồng bà Nguyệt. Hộ gia đình bà Phượng có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ. Vợ chồng bà Phượng có trách nhiệm trả cho vợ chồng bà Nguyệt hơn 600 triệu đồng. Bà Cúc có trách nhiệm trả cho vợ chồng bà Nguyệt hơn 5,5 tỉ đồng…

Không đồng tình với bản án trên, vợ chồng bà Nguyệt và bà Cúc tiếp tục kháng cáo bản án trên. Năm 2014, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lần 2, đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm lần 2 của TAND H.Bình Chánh.

Giám đốc thẩm hủy án, yêu cầu xét xử lại sơ thẩm lần 3

Bản án phúc thẩm lần hai có hiệu lực được 4 năm, thì đến năm 2018, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần hai để xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Tháng 8.2018, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị trên. Theo tòa, quy định của pháp luật về đất đai thì giao dịch năm 1999 về đất nông nghiệp chưa thừa nhận việc mua bán, chuyển nhượng nên việc mua bán trên chỉ dừng lại ở xác nhận của chính quyền xã. Hơn nữa, từ năm 1999 (tức sau 10 năm) vợ chồng bà Phượng không có khiếu nại hay tranh chấp gì đối với phần đất trên, trong khi bản chính sổ đỏ đã giao cho vợ chồng bà Nguyệt, bà Cúc coi như việc chuyển nhượng đã hoàn thành.

Đến năm 2010 mới phát sinh tranh chấp, khi đó vợ chồng bà Nguyệt làm đầy đủ các thủ tục đăng ký, xác định đất không có tranh chấp, đã được cấp sổ đỏ vào năm 2008.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, đất cấp cho hộ gia đình bà Phượng nhưng bà Phượng tự ý bán mà không có sự đồng ý hoặc ủy quyền của các thành viên trong hộ là trái với quy định pháp luật về tài sản chung, từ đó xác định hợp đồng vô hiệu. Theo cấp giám đốc thẩm, nhận định này là "chưa phù hợp trong việc đánh giá chứng cứ vì 2 người con của bà Phượng lúc này còn nhỏ, sống phụ thuộc…".

Tiếp tục bán cho 2 người khác

Sau 5 năm bị cấp giám đốc thẩm hủy án, hôm 16.8, TAND H.Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử lần 3. Tuy nhiên, phía vợ chồng bà Phượng cùng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất không có lý do, nên phiên tòa không thể diễn ra.

Hôm 15.9, TAND H.Bình Chánh tiếp tục mở lại phiên tòa nhưng phải dừng phiên tòa vì phía bà Nguyệt yêu cầu triệu tập người làm chứng và UBND H.Bình Chánh.

Trao đổi với Thanh Niên, phía vợ chồng bà Nguyệt cho biết, việc mua bán đã 24 năm qua, từ khi xảy ra tranh chấp đến nay kéo dài đã 13 năm. Việc vụ án kéo dài dẫn đến gia đình ông bà bị thiệt hại rất nhiều. "Cấp giám đốc thẩm đã hủy án từ 2018, đến nay đã 5 năm rồi. Việc TAND H.Bình Chánh cứ để vụ án kéo dài làm cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn, tốn kém chi phí đi lại và cả thời gian hầu tòa. Tôi chỉ mong vụ án sớm khép lại", chồng bà Nguyệt nói.

PV Thanh Niên đã liên lạc với TAND H.Bình Chánh để tìm hiểu lý do để vụ án kéo dài, tuy nhiên chánh án tòa này cho biết vụ án đang trong giai đoạn tố tụng nên không thể cung cấp thông tin.

Về vấn đề trên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, phân tích theo điều 327 bộ luật Tố tụng Dân sự thì trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án thì đương sự có quyền đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, theo điều 334 bộ luật Tố tụng Dân sự, đối với người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì thời hạn kháng nghị là 3 năm.

Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị nêu trên, thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị, khi: đương sự đã có đơn đề nghị theo điều 328 của bộ luật này, và sau khi hết thời hạn kháng nghị tại khoản 1 điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn...

Trong vụ án này, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị và TAND xét xử giám đốc thẩm là trong thời hạn hạn luật định.

"Như vậy, việc vụ án kéo dài từ năm 2010 đến nay, giờ quay trở lại vạch xuất phát sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, thậm chí có quan hệ dân sự rất khó, hoặc không thể khắc phục được, kể cả thiệt hại nếu có", LS Hoan nhấn mạnh.

Đáng chú ý, sau khi bản án phúc thẩm lần 2 có hiệu lực, vợ chồng bà Phượng được cấp lại giấy chứng nhận, nên đã tách thửa để chuyển nhượng cho 2 người (1 người vào tháng 12.2018 và 1 người và năm 2017). "Do vậy, khi giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm phải đưa những người này tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan", LS Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.