Lương, giá và thuế

09/08/2023 04:11 GMT+7

Thu nhập tăng 1 đồng, chi tiêu tăng 2 đồng là một trong những kết quả của cuộc khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN) công bố hôm qua 8.8.

Kết quả này không quá bất ngờ nhưng nó cụ thể hóa những vấn đề chúng ta đã liên tục cảnh báo, liên tục đặt ra trong suốt thời gian vừa qua.

Nó cũng một lần nữa "lên tiếng" về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn bỏ quên người làm công ăn lương trong suốt một thời gian dài, bất chấp khó khăn mà họ phải gồng gánh.

Tát giá theo lương, tát giá theo giá xăng, giá điện... là nỗi lo thường trực của người dân trong nhiều năm qua. Cứ mỗi lần có ngành nào đề nghị tăng giá, thị trường lại phập phồng trước nguy cơ hàng hóa, dịch vụ có cớ để "ăn theo".

 Đơn cử cả năm nay, giá thực phẩm như thịt gà, heo, bò cũng như nhiều loại thủy hải sản giảm mạnh thì tô phở, bún, miến, bánh mì, cơm tấm... vẫn tăng hoặc neo giá cao chót vót. Chúng ta cũng thường chứng kiến cảnh không ít nông sản giải cứu ở vườn nhưng ở chợ giá không giảm bao nhiêu. Còn dịch vụ vận chuyển thì khỏi nói, tăng dễ giảm khó với đủ lý do. Vì thế với người lao động (NLĐ) lâu nay, chưa kịp vui lương tăng thì lại buồn giá "nhảy". Nhưng "thu nhập 1 đồng, chi tiêu 2 đồng" có lẽ không chỉ phản ánh "bước nhảy của giá". Đằng sau đó còn là gánh nặng từ sự san sẻ với người thân trong gia đình không may thất nghiệp hay bị giảm thu nhập vì kinh tế khó khăn mà các số liệu khảo sát chưa thể tính toán tới. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn gia tăng. Ở nhiều nơi, tình trạng sa thải lao động vẫn tiếp diễn... Thế nên, để biết thực chất cuộc sống của NLĐ, của người làm công ăn lương phải "nhìn" và đặt trong bối cảnh như vậy.

Lao đao trong vòng xoáy xăng tăng giá, nữ shipper chật vật nuôi con

Nhưng lương và giá thôi cũng chưa đủ. Đợt tăng lương đầu tháng 7 vừa rồi, rất nhiều NLĐ còn phập phồng sợ bị thuế TNCN quá lạc hậu xén bớt một phần; bậc thuế quá dày cũng khiến không ít người bị nhảy "oan". Đó là hệ quả của việc lương tăng nhưng ngưỡng thuế không điều chỉnh kịp thời. Nói như một số đại biểu Quốc hội, thu nhập không đủ trang trải đời sống đã phải lo đóng thuế.

Và nếu nhìn tổng thể bức tranh lương - thuế - giá mấy năm qua, chúng ta thấy gì? Tính đến ngày 1.7.2023 chính thức tăng lương cơ sở thì tới 4 năm NLĐ mới được tăng lương. Trong khi trong 4 năm đó, mặt bằng giá cả đã tăng liên tục, còn thuế TNCN thì án binh bất động suốt từ năm 2020. Nên nhớ, 4 năm vừa qua là 4 năm khó khăn lịch sử khi kinh tế VN và thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 và sau đó những biến động địa chính trị gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trở lại với hiện tại. Mới nhất, trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát còn dư, nhiều bộ, ngành đang đề cập đến việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý như điện, vận tải, giáo dục... Đúng là lạm phát không còn đáng lo nhưng chất lượng đời sống của người dân lại là điều đáng bàn trước khi quyết định tăng giá các mặt hàng này. Đó là chưa kể, việc điều chỉnh ngưỡng thuế TNCN đã quá lạc hậu vẫn không được nhắc đến; việc kiểm soát giá ngoài thị trường không có gì bảo đảm.

Để không còn nghịch lý "thu nhập tăng 1 đồng, chi tiêu tăng 2 đồng" thì tăng lương phải đi kèm điều chỉnh thuế, kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Nếu cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì những nỗ lực kích cầu, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội sẽ khó đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.