'Luật ngầm' trên sông: Tuyên truyền hay gom tiền?

25/10/2017 09:03 GMT+7

Nhiều chủ sà lan bức xúc: 'Chúng tôi không nhận bất cứ tờ giấy, lời nhắc nhở nào từ CSGT và TTGT về việc đảm bảo an toàn giao thông. Làm gì có tuyên truyền, đi 'gom tiền' là chính'.

Trả lời tình trạng CSGT kiểm tra “chớp nhoáng” các sà lan trên sông mà Báo Thanh Niên phản ánh, thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó phòng CSGT đường thủy - Công an tỉnh Đồng Nai nói CSGT đi “tuyên truyền” nhưng không đưa ra được kế hoạch tuyên truyền. Còn một số chủ sà lan bức xúc: “Làm gì có tuyên truyền”.
Liên quan phóng sự điều tra “Luật ngầm” trên sông (đăng trên Thanh Niên ngày 23.10), chiều 24.10, ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra - Sở GTVT Đồng Nai; thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó phòng CSGT đường thủy - Công an tỉnh Đồng Nai đã trao đổi với PV Thanh Niên về công tác xử lý ban đầu đối với các cán bộ, chiến sĩ có liên quan trong bài báo phản ánh.

tin liên quan

‘Luật ngầm’ trên sông
Tại cảng Liên Hiệp 1 trên sông Đồng Nai, có tình trạng lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra phương tiện 'siêu tốc', ghé qua chỉ để lấy những 'tờ nhỏ' rồi nhanh chóng rời đi...
Vòng vo né tránh
Ông Nguyễn Phan Trong cho biết, hiện tại 7 cán bộ, nhân viên thanh tra giao thông (TTGT) có liên quan đến sự việc mà Báo Thanh Niên phản ánh đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác xác minh liên quan đến những sai phạm. Thượng tá Nguyễn Văn Quang cũng cho hay, 2 tổ tuần tra (gồm 6 cán bộ CSGT) đi trên hai ca nô CA60-53.033 và CA60-53.022 mà Báo Thanh Niên phản ánh cũng đã bị lãnh đạo phòng cho dừng công tác tuần tra, không bố trí công việc trong thời gian xác minh những sai phạm liên quan.
Các sà lan chở quá tải, gấp đôi tải trọng cho phép, đang hiên ngang rời cảng sau khi được CSGT, TTGT “tuyên tuyền” Ảnh: Công Nguyên
Chiều 24.10, thượng tá Nguyễn Văn Quang đã có buổi trao đổi với PV Thanh Niên liên quan vụ việc Thanh Niên đã phản ánh.
Theo thượng tá Quang, ngay khi Thanh Niên đăng tải phóng sự “Luật ngầm” trên sông, lãnh đạo Phòng CSGT đường thủy đã yêu cầu 6 cán bộ có liên quan giải trình vụ việc. Phòng cũng đã báo cáo lên Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Sắp tới, Ban giám đốc Công an tỉnh sẽ chỉ đạo Thanh tra công an tỉnh vào cuộc xác minh những vấn đề sai phạm của hai tổ CSGT mà Thanh Niên phản ánh. “Báo Thanh Niên phản ánh hoạt động của CSGT đường thủy rất kịp thời, chân thật để chúng tôi sửa đổi và chấn chỉnh. Tinh thần chúng tôi là kiên quyết xử lý sai phạm, không bao che”, thượng tá Quang cho biết thêm.
Ảnh: Công Nguyên
Trong buổi làm việc, ông Quang đã trả lời một số nội dung của PV Thanh Niên đề cập xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá ra sao về tình trạng CSGT kiểm tra “chớp nhoáng” các sà lan chở vật liệu trên sông mà Báo Thanh Niên đã phản ánh?
Thượng tá Quang: Theo giải trình ban đầu của 6 CSGT thì họ “đi tuyên truyền, nhắc nhở các chủ sà lan đảm bảo an toàn đi lại, ra vào cảng lấy hàng trong mùa mưa bão”. Trong quá trình đi làm nhiệm vụ, các CSGT đã không làm đúng quy trình, là sai.
CSGT tuyên tuyên bằng hình thức nào? Có kế hoạch không, thưa ông?
Tuyên truyền bằng miệng, đi theo kế hoạch của phòng.
Thượng tá có thể cho PV xem kế hoạch đó được không?
(Thượng tá Quang im lặng)
CSGT đi tuyên truyền gì mà lại lấy những “tờ nhỏ” kẹp trong quyển tập, bìa nhựa của các chủ sà lan “nhanh như điện”? CSGT tuyên truyền, kiểm tra nhanh như vậy liệu có hiệu quả?
CSGT đi tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp với kiểm tra giấy tờ liên quan đến phương tiện. CSGT làm vậy là nhanh và không đúng quy trình, ý kiến của lãnh đạo phòng đề ra.
Những “tờ nhỏ” mà CSGT nhận từ trong quyển tập mà PV ghi lại được có phải là tiền không, thưa ông?
Hiện chúng tôi chưa xác định được có phải là tiền hay không, Thanh tra công an tỉnh sẽ làm rõ việc này.
CSGT đường thủy Đồng Nai có được phép qua địa phận Bình Dương kiểm tra, tuyên truyền không?
Vẫn làm được vì trong quy chế phối hợp có ghi.
6 CSGT Đồng Nai bị dừng công tác tuần tra
1. Trung tá Nguyễn Văn Mười Bốn
2. Trung tá Phạm Văn Tốt
3. Thiếu tá Nguyễn Văn Thìn
4. Đại úy Nguyễn Hoàng Hải
5. Đại úy Phạm Xuân Khải
6. Thiếu úy Nguyễn Tấn Lộc.
7 TTGT Đồng Nai bị tạm đình chỉ công tác
1. Đinh Huy Hoàn - Đội phó Đội tuần tra
2. Nguyễn Danh Hải - Đội phó Đội tuần tra
3. Bùi Hải Anh - Thanh tra viên
4. Vương Minh Thuận - Thanh tra viên
5. Nguyễn Công Việt - Thanh tra viên
6. Võ Thanh Hiền - nhân viên
7. Dương Mạnh Hoàng - nhân viên.

Cũng theo thượng tá Quang, thời gian tới lãnh đạo Phòng CSGT sẽ chấn chỉnh, giám sát lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên sông tránh những sai phạm xảy ra.
“Làm gì có tuyên truyền, đi “gom tiền” là chính”!
Ngay sau khi Thanh Niên đăng tải thông tin lãnh đạo CSGT và TTGT giải thích việc hai lực lượng này kiểm tra các chủ sà lan là đi “tuyên truyền”, trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chủ sà lan bức xúc: “Chúng tôi không nhận bất cứ tờ giấy, lời nhắc nhở nào từ CSGT và TTGT về việc đảm bảo an toàn giao thông. Làm gì có tuyên truyền, đi “gom tiền” là chính”.
Những ngày có mặt trên sông Đồng Nai đoạn qua cảng Liên Hiệp 1 (giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương), PV Thanh Niên liên tục chứng kiến nhiều CSGT, TTGT đến các sà lan “tuyên truyền”! Đi trên ca nô công vụ thường có từ 3 - 4 cán bộ CSGT hoặc TTGT áp sát sà lan, bấm còi báo hiệu.
Các chủ sà lan vào cabin nhét “tờ nhỏ” vào trong quyển tập hoặc bìa nhựa rồi đưa nhanh cho cán bộ thi hành công vụ. Cán bộ không cần nhìn, không đọc, chỉ thò tay vào lấy “tờ nhỏ” ra và trả lại quyển tập, bìa nhựa cho chủ sà lan rồi tăng ga bỏ đi chứ không hề thấy trò chuyện hỏi thăm hay làm động tác tuyên truyền đến các chủ sà lan.
Thậm chí, có chủ sà lan còn cuộn tròn “tờ nhỏ” như điếu thuốc trong tay, rồi trao tay CSGT, TTGT. Cụ thể: Lúc 16 giờ 54 ngày 9.10, PV Thanh Niên chứng kiến một chủ sà lan cuộn tròn “tờ nhỏ”, với người theo để đưa cho đại úy CSGT đi trên ca nô số hiệu CA60-53.033 đi cùng hai trung tá CSGT.
Vì ca nô đi quá nên đại úy cũng với người theo, nhận bằng được “tờ nhỏ” cuộn tròn từ chủ sà lan rồi ngồi xuống, tay chống vào mạn sà lan rồi ca nô rời đi. Lúc 15 giờ 43 ngày 12.10, ca nô CA60-53.033 chở 3 CSGT tiến lại gần một sà lan. Một người đàn ông nắm gọn “tờ nhỏ” vào bàn tay rồi bước từ sà lan xuống ca nô, trao tận tay vị CSGT và quay mặt đi. CSGT không nói năng gì, nhận “tờ nhỏ” và ca nô bỏ đi.
Trong nhiều ngày cùng ăn, ở với các chủ sà lan tại đoạn sông Đồng Nai, hai từ mà PV nghe nhiều nhất là “tiền trạm” (tức tiền chung chi cho lực lượng CSGT, TTGT). Đó là nỗi ám ảnh cũng như tốn kém chi phí rất lớn của các chủ sà lan: “Trên sông rất nhiều lực lượng tuần tra, kiểm soát. Lực lượng nào cũng đi “gom tiền” được. Những người làm ăn như chúng tôi không muốn dây dưa với lực lượng chức năng, nên có bobo (ca nô) tới là kẹp tiền vào và đưa. Có luật và giá cả rồi”, anh H. (một người lái sà lan) chia sẻ.
Chiều 24.10, qua điện thoại anh T. (chủ sà lan - nơi PV đi học việc) vừa cười vừa nói: “Tôi làm nghề này trên 20 năm rồi, đi khắp các con sông, rạch thuộc từng con nước mà chưa bao giờ nghe CSGT, TTGT đi tuyên tuyền hay cảnh báo gì về an toàn giao thông đường thủy. Họ nói tuyên truyền là ngụy biện cho việc làm bất minh của mình”.
Anh T. cho biết hiện nay có khoảng 4 - 5 lực lượng trên sông có quyền kiểm tra, xử phạt các sà lan là quá nhiều. Các chủ sà lan không biết lực lượng nào được phép làm gì, kiểm tra ra sao hay nhờ giúp đỡ việc gì. Chủ yếu các lực lượng này thay nhau đi “gom tiền”. “An toàn là do chúng tôi tự lo, tiền thì họ đi gom, khi cần việc hỗ trợ, tư vấn thì không tìm được lực lượng nào cả”, anh T. bộc bạch.
Liên quan đến việc lãnh đạo TTGT, CSGT Đồng Nai nói rằng cấp dưới của mình đi “tuyên truyền”, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên rất bức xúc, và nghi ngờ lãnh đạo hai đơn vị này chưa dám nhìn thẳng vào bản chất vấn đề, bao che cho cấp dưới.
Bạn đọc tên Kiên (TP.HCM) bình luận: “Thưa lãnh đạo TTGT, CSGT đường thủy Đồng Nai, việc cấp dưới của các ông giải trình là đi “tuyên truyền”, vậy theo các ông là thật hay không? Với con mắt người dân của tôi, sau khi xem video clip trên Báo Thanh Niên, tôi không tin là họ đi tuyên truyền và đây là hành vi lấy tiền”.
Bạn đọc tên Hoàng viết: “Chắc các ông nghĩ người dân là con nít lên 3, muốn nói sao thì nói, đi tuyên truyền gì kiểu đó? Xem clip, thử hỏi có ông TTGT, CSGT nào đứng nói chuyện với người trên tàu được 1 lời không, hay chỉ lo lấy tiền rồi biến”.
Độc giả Trung Hiếu nói thẳng: “Lãnh đạo TTGT, CSGT phải thấy sai phạm của cấp dưới mình và đình chỉ công tác cán bộ liên quan mà báo phản ánh. Như vậy mới có tính răn đe với các cán bộ khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.