Làn gió livestream thổi bùng sức mua cuối năm

27/01/2024 07:28 GMT+7

Đơn giản chỉ là một chiếc đèn tròn, chiếc điện thoại, một cái micro mini…, nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống TP.HCM tập tành livestream, chủ động vực dậy sức mua. Nhờ đó, đã có hàng trăm đơn hàng được chốt sau mỗi phiên livestream.

Doanh số tăng, công nhân tăng ca nhờ… livestream

Cứ 15 giờ hằng ngày, gian hàng kinh doanh áo quần Thái Trang tại lô A (A73 - A81 - A82 - A91 - A92 - A93 - A100) trên tầng 1 của Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông, Q.5, TP.HCM) lại bắt đầu livestream bán hàng. Sạp Thái Trang chuyên cung cấp độc quyền hàng thời trang nữ thương hiệu D&T. Chủ sạp cũng là chủ Cơ sở may mặc D&T (Q.8, TP.HCM), cho biết: Sạp chuyên sản xuất và kinh doanh hàng thời trang nữ tuổi trung niên.

Trước tình hình khó khăn vì lượng khách hàng sụt giảm quá mạnh, từ online cho đến offline, bà quyết định sử dụng kênh mạng xã hội để tiếp cận khách hàng mới. Ban đầu, bà nhờ một kênh YouTube có lượt theo dõi hơn 500.000 người quay clip giới thiệu về điểm mua sắm phong phú vào hàng nhất nhì TP.HCM là chợ An Đông.

Với lợi thế tự thiết kế mẫu, có nguồn hàng phong phú, thay đổi liên tục, nên chuỗi sạp của bà Thái Trang nhanh chóng được khách gần xa biết đến. Thế nên, bà "chơi lớn" sắm luôn thiết bị để tự livestream bán hàng. Thái Trang cũng là một trong những sạp đầu tiên livestream bán hàng tại chợ.

Bà Thái Trang hồ hởi khoe: "Chúng tôi đã triển khai livestream bán hàng cho khách sỉ và lẻ tại chợ từ 3 tháng nay. Doanh thu từ mức âm của hai quý đầu năm, đã tăng mạnh trong quý cuối năm 2023. Tháng 1.2024 là thời gian cao điểm và chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất, bán hàng tết không kịp. Hiệu quả thấy rõ nhất là khách mua sỉ tìm đến nhiều hơn do từ xa, họ xem được livestream, người thật, mặc áo quần thật, đúng dáng, đúng form, nên rất ưng ý. Chúng tôi chú trọng yếu tố tự nhiên, nhân viên bán hàng cũng là mẫu mặc đồ cho khách xem, không câu nệ hình ảnh phải xài app hay trau chuốt. Hình ảnh thật như ngoài nên rất nhiều khách thích cách livestream như vậy. Có nhiều khách lẻ đặt mua trên chục chiếc áo đầm".

Làn gió livestream thổi bùng sức mua cuối năm- Ảnh 1.

Nhờ livestream bán hàng, khách phương xa về chợ truyền thống ngày một nhiều hơn

Ng.Nga

Nhờ vậy, công nhân tại Cơ sở may D&T có việc làm nhiều hơn, tăng thu nhập và cơ sở cũng đủ tài chính để trang trải nhiều chi phí cuối năm. Tương tự, tại chợ Bến Thành, sau đợt livestream rầm rộ với sự hỗ trợ của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội diễn ra 4 ngày vào tháng 12.2023, đến nay, một số tiểu thương vẫn tiếp tục duy trì livestream bán hàng. Vào mùa cao điểm cận Tết Nguyên đán, chủ sạp mứt kẹo Ngọc Châu cho hay lượng khách mua sắm qua online duy trì ổn định và tiếp tục tăng.

"Nói chung, livestream đã giúp thổi làn gió mua sắm nhộn nhịp, tích cực hơn rất nhiều cho tiểu thương kinh doanh tại chợ. Khác rất nhiều so với không khí ế ẩm, trầm lắng từ nửa đầu năm ngoái", một chủ sạp chuyên bán đồ ăn uống tại chợ Bến Thành chia sẻ. Trước đó, chỉ trong 4 ngày livestream bán hàng tại chợ Bến Thành, đã có 18.200 đơn hàng được chốt, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng. Riêng quầy sạp Ngọc Châu cho biết đã "cháy hàng" khi chỉ sau 5 phút đầu livestream, có gần 100 đơn hàng đặt mua.

Trưởng ban Quản lý chợ An Đông, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, nhận xét đa số tiểu thương có sự chủ động tìm kiếm khách hàng qua kênh bán hàng online, livestream... đều thu được kết quả tích cực. Để hỗ trợ tiểu thương tăng nhận diện thương hiệu, hàng hóa nhiều hơn, Ban Quản lý sẽ nhờ các YouTuber quay giới thiệu từng ngành hàng một, để quảng bá hàng hóa phong phú, chất lượng tại chợ. Qua đó, giúp đẩy mãi lực tăng hơn trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024.

Liên kết, thúc đẩy livestream và thương mại điện tử chuyên nghiệp

Trong thực tế, mô hình livestream bán hàng của tiểu thương dù đa số là tự phát song mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, một số doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất cũng áp dụng xu hướng này. Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh mới theo hướng bền vững, chuyên nghiệp hơn, phù hợp xu hướng… cần có sự tổ chức bài bản. Ngày 25.1 vừa qua, Trung tâm livestream TP.HCM (HCMC Livestreams City) chính thức được giới thiệu.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trung tâm AI livestream nằm trong đại siêu thị số Nova AI Mall, là mô hình đầu tiên hỗ trợ bán hàng tại VN. Cụ thể trung tâm này sẽ có các gian hàng trưng bày, phòng live ảo, khu vực đào tạo kỹ thuật và công nghệ livestream, các khu trưng bày hàng hóa, kho hàng và khu dịch vụ toàn diện dành cho người livestream như phòng thay đồ, phòng trang điểm, quán cà phê...

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, đại diện Nova AI Mall, cho biết đơn vị muốn xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho mô hình kinh doanh mới, đó là ngành livestream bán hàng. Mô hình này đã được thực hiện thành công tại nhiều nước, nhất là Trung Quốc. "Mặc dù có nhiều cá nhân kinh doanh đã thực hiện livestream bán hàng và thu được nhiều kết quả nhưng đây vẫn là một hình thức hoàn toàn mới cho rất nhiều người VN, đặc biệt là nhiều cá nhân đang bán sản phẩm theo mô hình truyền thống", ông Tống nhận xét và thông tin thêm, sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành" diễn ra hồi tháng 12.2023 vừa qua cũng do Nova AI Mall thực hiện.

"Nhờ đó, tôi thấy không phải tiểu thương nào cũng biết livestream hay có kỹ năng nói trước đám đông như một người dẫn chương trình. Vì vậy, công ty mong muốn tạo ra một không gian để người bán trải nghiệm, học tập kỹ năng bán hàng mới với ứng dụng công nghệ như AI. Bước đầu, người có sản phẩm sẽ mang đến trung tâm để trưng bày, nhờ trung tâm thực hiện các buổi livestream bán hàng. Nova AI Mall sẽ cung cấp các giải pháp như khả năng vận hành nhiều cửa hàng cùng lúc để bán hàng như các trung tâm thương mại số, hiện đại", ông Tống cho biết.

Với phương pháp trên, các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh theo phương pháp truyền thống, chưa có điều kiện tự livestream bán hàng, có thể từng bước chuyển mình sang các mô hình kinh doanh hiện đại, dựa trên nền tảng sự phát triển của thương mại điện tử và những giải pháp bán lẻ mới như livestream.

Trước đó, vào giữa tháng 11.2023, Tập đoàn KIDO cũng công bố lập kênh E2E (Entertainment & E-commerce) tạo sân chơi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp với sự bắt tay cùng TikTok. Đến nay, E2E đã có ước tính khoảng 50 đơn vị tham gia, đồng hành cùng các hoạt động bán hàng trực tuyến. Ông Trần Quốc Bảo, đại diện kênh E2E, cho biết tuy chỉ mới chính thức đi vào hoạt động hơn 2 tháng, nhưng người tiêu dùng ở khắp nơi thông qua kênh E2E đã có thể lựa chọn và mua được cho mình những món hàng ưng ý, đặc biệt được giao hàng tận nơi.

Ông Bảo nói: "Hệ sinh thái bán hàng của KIDO cũng đã thay đổi rõ rệt khi có kênh bán livestream. Qua TikTok, khách hàng có thể mua từ một chai dầu ăn đến hộp bánh, chai nước mắm, hũ gia vị… Mô hình bán hàng online qua TikTok hay các nền tảng xã hội, nếu được doanh nghiệp áp dụng bài bản, đây chính là công cụ hiệu quả về mặt marketing và bán hàng trong tương lai".

Kết hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, E2E của KIDO đã phối hợp cùng Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza tổ chức chương trình "Ngày hội mua sắm, giải trí tết trực tuyến 2024" với hàng loạt chuỗi hoạt động xuyên suốt trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn (19.1 - 4.2.2024). E2E cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND TP.Thủ Đức và TikTok, thông qua chương trình Tết Fest với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp có đa dạng ngành hàng, tổ chức các chương trình livestream kích cầu mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đồng thời tạo ra những trải nghiệm mua sắm, vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.