Vì sao livestream bán hàng bùng nổ?: Khó xử lý hàng dỏm

21/12/2023 06:14 GMT+7

Hình thức kinh doanh bán hàng trực tuyến ngày càng nở rộ nhưng chưa được kiểm soát khiến hàng gian, hàng giả, hàng nhái... tràn lan. Đáng nói, việc xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn trong khi người mua hàng đa phần chịu thiệt hại.

Mảnh đất màu mỡ

Chị L.T.T.H (ngụ tại Q.Tây Hồ, Hà Nội) kể: "Tôi thường xuyên mua sắm thông qua các kênh livestream. Mình không có nhiều thời gian đi ra chợ hay dạo phố nên mua qua mạng thấy rất tiện, thậm chí rẻ hơn khi mua trên website chính hãng. Có điều là rất nhiều lần mua phải đồ không ưng ý. Khi họ livestream nhìn thấy quần áo, giày dép đẹp như thế nhưng khi nhận hàng thì…hỡi ôi, cứ trông như vải vụn nối lại. Tôi đã mua ít nhất 5, 6 đơn hàng quần áo dỏm như thế và phải mang đi cho. Bây giờ thì rút kinh nghiệm không dám mua hàng rẻ nữa và cũng phải tìm những chủ shop uy tín để mua".

Là người trong cuộc, chị N.T.B.D, ngụ tại P.Tân Bình, TP.Hải Dương (Hải Dương), cho biết chị kinh doanh hàng Nhật xách tay lâu nay, có thể cam kết hàng chính hãng. Tuy nhiên, cũng là mặt hàng mỹ phẩm đó, trên mạng bán rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua không biết đâu thật đâu giả và chuyện mua nhầm hàng dỏm thường xuyên xảy ra.

Vì sao livestream bán hàng bùng nổ?: Khó xử lý hàng dỏm - Ảnh 1.

QLTT thu giữ sản phẩm không rõ nguồn gốc

QLTT TP.HCM

Theo Ủy ban Cạnh tranh (Bộ Công thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), hình thức bán hàng online nở rộ là mảnh đất màu mỡ cho hàng gian, hàng giả phát triển. 

Đại diện Tổng cục QLTT thông tin: "Có rất nhiều shop chuyên kinh doanh trên mạng xã hội, livestream và quảng cáo là hàng OEM, tức hàng "xịn" sản xuất tại VN với giá thấp. Mỗi sản phẩm được các cửa hàng bán ra với giá từ vài trăm ngàn đồng đến 3 - 4 triệu đồng. Người kinh doanh còn lợi dụng nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để thúc đẩy quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm giả, nhái trong một thời gian dài. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng dường như không thể biết được mình đang xem và mua phải hàng giả những nhãn hiệu lớn. Như thế quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị xâm phạm nghiêm trọng".

Mới đây, Đội QLTT số 18, Cục QLTT TP.HCM đã phối hợp với Công an xã Thới Tam Thôn, Công an H.Hóc Môn (TP.HCM) tiến hành kiểm tra tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại tại ấp Thới Tứ 1, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM do ông H.T.L là chủ kinh doanh. Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang chứa và kinh doanh 600 chai dầu gội kem bưởi, mỗi chai 650 ml, không có nhãn hiệu do Thái Lan sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng VN, không có thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm; không có số lô sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ và không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Theo cơ quan chức năng, trong trường hợp không đăng ký kinh doanh mà vẫn tiêu thụ được hàng thì nhiều khả năng chủ hộ bán qua mạng hoặc các nền tảng trực tuyến.

Lạ đời shop fake hướng dẫn phân biệt hàng thật - giả: Người có kinh nghiệm cũng bị lừa

Vì sao khó xử lý?

Trên thực tế, hàng hóa được kinh doanh online chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm khô…và nhà ở của người bán cũng là nơi chứa hàng nên việc kiểm tra gặp nhiều trở ngại. Theo ông Trần Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT): "Tình trạng những đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là kinh doanh trên mạng... sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu hàng hóa hiện đang dần trở nên phổ biến. Họ sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, các ứng dụng vận chuyển hoặc tham gia các nhóm trên mạng để tìm người vận chuyển. Điều này đang thực sự gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm bởi e ngại với thủ tục khám nhà ở. Bên cạnh đó, với sự phát triển của ngành logistics, việc vận chuyển cũng đang trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, các đơn vị vận chuyển sẽ trở thành tiếp tay cho các đối tượng này nếu không thực hiện tốt các quy định trong hoạt động bưu chính, vận chuyển bưu kiện".

Đối với mỹ phẩm, Bộ Y tế cũng thừa nhận: Việc kinh doanh mỹ phẩm theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều các sàn thương mại điện tử bán mỹ phẩm, bên cạnh đó có rất nhiều đơn vị, cá nhân đang hoạt động phân phối bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như livestream, mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn... Các quy định hiện tại chưa điều chỉnh các hoạt động trên, điều này dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, từ đó có thể gây ra các hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của các nhãn hàng mỹ phẩm cũng như uy tín của cơ quan quản lý nhà nước đã cho phép mỹ phẩm được lưu hành.

Bộ Y tế cho rằng nếu không quy định cơ chế kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử thì người dân có nguy cơ mua các sản phẩm không bảo đảm chất lượng đang bán tràn lan trên mạng mà không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng. Trong đó, việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.

Bộ Y tế nhấn mạnh: "Việc thanh kiểm tra hiện nay chủ yếu tập trung tại trụ sở công ty hay cơ sở sản xuất, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất hay kho của doanh nghiệp mà chưa tập trung việc lấy mẫu thực tế lưu hành trên thị trường. Việc lấy mẫu trên thị trường sẽ thể hiện chính xác hơn hiện trạng sản phẩm mỹ phẩm đang lưu hành và từ đó sẽ quản lý được các sản phẩm thực sự tiếp cận với người tiêu dùng. Việc thanh kiểm tra còn chưa được chú trọng, do đó vị thế của cơ quan nhà nước có thể không được bảo đảm, bị suy yếu vai trò quản lý nhà nước". 

Bộ Y tế kiến nghị việc tăng cường vị thế của cơ quan nhà nước trong việc tiến hành thanh kiểm tra, hậu mại mỹ phẩm là vô cùng cấp thiết vì các đơn vị này vi phạm pháp luật kinh doanh mỹ phẩm phổ biến. Theo đó, cần phải sửa đổi nghị định để tăng cường sự quản lý, cụ thể sẽ xây dựng hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm; xây dựng mã định danh mỹ phẩm; bổ sung tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn thay vì chỉ ghi nước sản xuất. Nghị định sửa đổi cũng quy định cơ quan quản lý nhà nước về công tác quản lý mỹ phẩm được kiểm tra hậu kiểm và lấy mẫu kiểm nghiệm mỹ phẩm tại cơ sở kinh doanh không thuộc thẩm quyền quản lý ngành y tế và quy định pháp lý về việc phối hợp với các đơn vị chức năng (công an, QLTT, cơ quan quản lý nền tảng xã hội...) trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh không thuộc quản lý của ngành y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.