Làm sao để người dân tiếp cận được nhà ở ?

20/06/2023 08:10 GMT+7

Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sau khi nghe tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Chiều 19.6, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại tổ về luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi sau khi nghe tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết qua xem xét tờ trình dự án luật Kinh doanh BĐS sửa đổi thấy thiếu vắng các quy định có tính dẫn dắt, định hướng của nhà nước đối với thị trường BĐS. "Thị trường BĐS có nhiều phân khúc, nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu sa vào phân khúc cao cấp vì lợi nhuận thu được rất cao", ông Vân dẫn chứng và đề nghị luật phải xác lập được vai trò của nhà nước trong định hướng để thị trường này phát triển bền vững, lành mạnh.

Dự thảo luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cũng dành một chương để quy định về điều tiết thị trường BĐS và quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho rằng dự thảo mới chỉ quy định các nguyên tắc mà chưa rõ các chính sách cụ thể. "Phải quy định chính sách cụ thể hơn để phát triển thị trường BĐS, nhất là nhà ở, đặc biệt là về giá để người dân có thể tiếp cận được nhà ở", ông Toàn nêu.

Cũng nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng dự án luật phải thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thị trường BĐS. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định cơ cấu lại thị trường BĐS.

Chủ tịch QH chỉ rõ các phân khúc trong cơ cấu thị trường BĐS hiện nay không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương. "Phân khúc nhà cao cấp thì quá nhiều. Nhà ở xã hội thì bây giờ mới coi trọng, chưa có chính sách đột phá", Chủ tịch QH nhấn mạnh và cho rằng cần có chính sách để điều tiết, cơ cấu lại thị trường. Cũng theo Chủ tịch QH, dự án luật Kinh doanh BĐS sửa đổi giao thoa với rất nhiều luật khác, nhất là luật Đất đai, luật Xây dựng, luật Nhà ở... Do đó, khi xây dựng luật cần phải rà soát kỹ, tránh xung đột giữa các luật.

Đề xuất bắt buộc các giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo luật cũng nhận được nhiều quan tâm. Trước đó, báo cáo tại QH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hiện không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn. Tuy nhiên, 99% chủ đầu tư đều bán hàng qua sàn hoặc môi giới. Tại dự thảo luật, Chính phủ vẫn đề xuất chủ đầu tư bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết: "Không nên quy định bắt buộc, mà chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân giao dịch BĐS qua sàn". Ông Thanh cũng dẫn chứng tình trạng sàn giao dịch BĐS liên kết với chủ đầu tư để lách luật dưới hình thức phân phối sản phẩm qua khâu trung gian, nhưng thực chất là sàn đã mua BĐS của chủ đầu tư, tạo điều kiện cho cả người dân và doanh nghiệp có cơ hội trốn thuế. Mặt khác, tình trạng các sàn giao dịch ôm hàng, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo, ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS diễn ra phổ biến…

Tại thảo luận tổ, nhiều ĐB cũng bày tỏ không đồng tình với quy định bắt buộc phải mua bán BĐS qua sàn. ĐB Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) đề nghị không nên bắt buộc mua bán BĐS qua sàn vì sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu. Trong khi đó, hồ sơ dự án chưa có đánh giá tác động của việc bắt buộc mua bán qua sàn.

Hàng nghìn người dân không được cấp sổ, ai giải quyết?

Luật Kinh doanh BĐS cần nghiên cứu đưa vào quy định chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính mới được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS.

Hiện nay, có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà/đất vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước. Quy định của luật là giao đất cho doanh nghiệp (DN), sau đó mới xác định tiền sử dụng đất, nếu DN không nộp thì mới phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng. Nên DN sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền phải đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.

Tranh chấp giữa DN và người dân là dân sự. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp sổ đỏ thì ai giải quyết? Vì thế, cần quy định trong luật chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.