Tách bạch nhà giá rẻ và nhà ở xã hội?

20/06/2023 05:41 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất tách bạch đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Nhà giá rẻ để bán, nhà ở xã hội cho thuê

Thảo luận về luật Nhà ở sửa đổi sáng 19.6, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NOXH) trong luật, song theo ông, chính sách này chưa thể hiện trúng, xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn.

Tách bạch nhà giá rẻ và nhà ở xã hội? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng từ 7 giờ sáng để được vào bốc thăm mua nhà ở xã hội tại Hà Nội vào tháng 5

Lê Quân

ĐB Hiển cũng chỉ rõ 2 vướng mắc chính. Theo đó, dự thảo đang cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng sở hữu NOXH thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp. Nhưng thực tế người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị, chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình. "Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, vì vậy, việc mua, sở hữu một căn hộ, dù là nhà ở trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn", ông Hiển nói và lo ngại nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện như thu nhập, diện tích để hưởng lợi mua NOXH giá thấp hoặc người có tiền mượn tên công nhân mua đăng ký dẫn tới đầu cơ, làm cho NOXH không phục vụ đúng đối tượng.

Bất cập thứ hai là quá chú trọng đến các ưu đãi cho bên cung, tức là nhà đầu tư. Các chủ đầu tư được ưu đãi vốn, lãi suất thấp, thời gian vay dài, được miễn, giảm thuế đất đai, còn người mua nhà chỉ được nhận ưu đãi lớn nhất là mức giá nhà thấp.

Ông Hiển đề nghị chính sách về NOXH cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Cụ thể, điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả 3 bên chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư NOXH để cho thuê. Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan NOXH cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành NOXH. Theo ông Hiển, nhiều nước phát triển NOXH cho thuê là chính, nên người có thu nhập thấp chưa chắc đã có được quyền sở hữu nhà ở, nhưng quyền được ở NOXH luôn được đảm bảo.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thì đề nghị mở rộng hơn khái niệm NOXH. "Cần tránh quan niệm bất thành văn là NOXH là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng chất lượng kém", ông Thành phân tích.

Theo ông, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả NOXH và nhà ở thương mại. Ông Thành cũng đề nghị có chính sách tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở cho thuê, cho thuê mua để đáp ứng nhu cầu và các điều kiện kinh tế của đại bộ phận người lao động. Ông Thành cho rằng đây là định hướng phát triển thị trường nhà ở bền vững và cần được quy định trong luật.

Tách bạch nhà giá rẻ và nhà ở xã hội? - Ảnh 2.

Một dự án nhà chung cư giá rẻ ở Q.Bình Tân, TP.HCM

Vũ Phượng

Vẫn tranh cãi quy định thời hạn chung cư

Dù dự thảo luật Nhà ở đã bỏ quy định niên hạn chung cư, song ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) vẫn đề xuất quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư để khi hết hạn thì dễ dàng cải tạo, sửa chữa. Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự phức tạp trong cải tạo chung cư cũ hiện nay là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, không có thời hạn. Ông đề nghị luật Nhà ở sửa đổi không chỉ quy định "thời hạn sử dụng" nhà chung cư cũ mà phải quy định rõ "thời hạn sở hữu". Lý do, về phía người dân sở hữu nhà, chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế, không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn.

"Nếu quy định sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với hiện nay. Do tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ ra thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không, khi nhà này đã bị phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền ra", ông Cường nêu. Kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài.

Tranh luận với các ý kiến trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng phải suy nghĩ theo hướng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng khuyến khích xây dựng những chung cư chỉ 20 - 30 năm, 30 - 40 năm. "Nơi ở dài hạn, từ thế hệ này qua thế hệ khác là nhu cầu tinh thần rất lớn và củng cố quan hệ gia đình", ông Nghĩa nói và chỉ ra tại một số nước, càng ngày tuổi thọ chung cư càng cao, nhiều nước lên tới hàng trăm năm.

Với vấn đề xử lý an toàn của chung cư cũ, ông Nghĩa dẫn kinh nghiệm quốc tế cho biết dù sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ các quy định về an toàn. Đơn cử tại Singapore, sở hữu nhà ở thương mại lên tới hàng trăm năm. Nhưng khi yếu tố an toàn không đảm bảo nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu, sửa chữa và xây dựng mới.

Lo ngại người nước ngoài "núp bóng" sở hữu nhà

ĐB Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng dự thảo luật quy định "cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào VN là đối tượng được sở hữu nhà ở tại VN" là quá rộng, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc. Chẳng hạn, người nước ngoài nhập cảnh nhưng với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không?

Cũng băn khoăn vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói quy định cá nhân người nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là vấn đề rất nhạy cảm, hệ trọng, nên có cân nhắc cụ thể. Ông Hòa cũng phản ánh thời gian qua, dư luận rất bất bình với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người VN thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các TP có giá trị đắt đỏ, TP du lịch.

Giải trình với các ĐB, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại VN đã được quy định từ năm 2008 và được luật hóa tại luật Nhà ở năm 2014. Song, theo thống kê từ 2014 đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại VN không lớn. Luật cũng quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu.

Thông qua luật Giá, giữ trần vé máy bay, sách giáo khoa

Chiều 19.6, Quốc hội thông qua luật Giá sửa đổi với 459 ĐB tán thành (đạt tỷ lệ 92,91%), với 8 chương 75 điều. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc giữ quy định giá trần vé máy bay nhằm bảo đảm quyền chủ động của DN. Bởi các hãng hàng không đang toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay, chỉ riêng giá vé hạng phổ thông thì không được vượt giá trần.

Nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay cao với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, việc định giá sách giáo khoa cũng vẫn áp dụng giá trần, song không quy định giá sàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.