Làm cách nào để thoát khỏi trạng thái ‘đóng băng tạm thời’ trong công việc?

Thảo Phương
Thảo Phương
05/07/2023 14:06 GMT+7

Chán nản, mệt mỏi, không còn hứng thú trong công việc là trạng thái tâm lý hay gặp ở một bộ phận người trẻ. Vậy làm cách nào để khắc phục nhanh chóng tình trạng này và không làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc?

Làm cách nào để thoát khỏi trạng thái ‘đóng băng tạm thời’ trong công việc? - Ảnh 1.

Chán nản, mệt mỏi, mất động lực trong công việc là trạng thái tâm lý mà đa phần mọi người đều gặp phải

SHUTTERSTOCK

Mất động lực làm việc

‏Công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi, do đó có những lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán chường và không còn hứng thú làm việc. Đây là một trạng thái mà đa phần những người đi làm đều gặp phải tại một thời điểm nào đó. Cho dù công việc mà họ đã gắn bó với nó trong thời gian dài thì cũng sẽ có lúc rơi vào trạng thái "đóng băng tạm thời".‏

‏Nguyễn Thị Kim Ngân (24 tuổi), làm việc tại Công ty MWG, TP.Thủ Đức, TP.HCM, tâm sự: "Mặc dù được làm công việc mình yêu thích nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc chán nản, không muốn làm gì. Hiện tại, kinh tế khó khăn nên công ty của mình đang cắt giảm bớt lương thưởng của nhân viên, nhưng công việc lại nhiều hơn. Nhiều lúc không kiểm soát được công việc mình sẽ rơi vào trạng thái chán nản, cảm giác hôm nay làm việc đã quá mệt rồi, ngày mai lại tiếp tục như thế. Mình không có thời gian cho bản thân và những mối quan hệ khác nên dễ bị rơi vào trạng thái stress".

‏Gắn bó với công việc gần 2 năm nay nhưng Nguyễn Thị Thu Xuyến (22 tuổi), làm việc tại một công ty giày da ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) thường rơi vào trạng thái bị tụt cảm xúc, không có hứng thú với công việc. Xuyến kể: "Mình làm việc văn phòng 1 ngày 8 tiếng đồng hồ nhưng khối lượng công việc quá nhiều khiến mình áp lực và kiệt sức. Do đó, việc đi làm với mình như một gánh nặng, không có một chút hứng thú hay niềm vui nào".‏

‏Tuy nhiên, trạng thái chán nản này chỉ xuất hiện ở một số thời điểm nhất định nên Xuyến vẫn tiếp tục duy trì công việc này. "Mình nghĩ làm việc ở đâu thì cũng sẽ có áp lực và có những khoảng thời gian mệt mỏi, không muốn làm. Do đó, mình cố gắng chịu khó, vượt qua khoảng thời gian ngắn đó là mọi chuyện đâu lại vào đấy", Xuyến chia sẻ.‏

‏Như vậy, việc chán nản, mệt mỏi, không muốn làm gì vào một khoảng thời gian nào đó là một trạng thái tâm lý bình thường mà mọi người đều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là mình vượt qua nó như thế nào.‏

Có 4 cách để lấy lại hứng thú trong công việc

Làm cách nào để thoát khỏi trạng thái ‘đóng băng tạm thời’ trong công việc? - Ảnh 2.

Làm thế nào để tìm lại được động lực trong công việc?

SHUTTERSTOCK

Từng nhiều lần rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí muốn nghỉ làm, nhưng cuối cùng Phạm Trần Thảo Vi (25 tuổi), nhân viên marketing, đang ở chung cư Topaz Home 2, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã tìm lại được động lực làm việc. 

Vi kể: "Lúc trước mình không tìm thấy niềm vui trong công việc, vì không có mục tiêu và định hướng rõ ràng nên thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, mông lung. Sau đó mình nhận ra việc này chỉ khiến cho bản thân thụt lùi nên tìm cách tháo gỡ bằng cách vạch ra mục tiêu cụ thể để cố gắng phấn đấu và có bước tiến mới trong công việc. Kể từ đó tình trạng mất động lực làm việc xuất hiện ít hơn".‏

‏Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Văn Tuân, Trưởng bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Trước tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người hay bị rơi vào trạng thái mất động lực làm việc. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do làm việc không phù hợp, cá nhân không có mục tiêu rõ ràng, ý chí kém, có các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay gặp khó khăn lớn nhưng không có sự trợ giúp…".‏

‏Tiến sĩ Tuân đưa ra lời khuyên: "Đầu tiên, mỗi người cần phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và tìm công việc phù hợp với khả năng, đúng sở trường. Thứ 2, nếu bạn được làm việc trong một môi trường có những đồng nghiệp thân thiện, hòa hợp thì bạn tâm tình với họ nhiều hơn sẽ có hứng thú và niềm vui để tiếp tục công việc. Thứ 3, cần thiết lập mục tiêu công việc rõ ràng và phù hợp để có thể phấn đấu, nỗ lực từng ngày. Làm việc không có mục tiêu lâu dần bạn sẽ không còn động lực, hứng thú với công việc của mình, cảm thấy mọi thứ đều nhàm chán và vô vị. Cuối cùng, nên chia sẻ khó khăn với người thân, rèn luyện ý chí và chăm sóc tốt sức khoẻ tâm thần".‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.