Kỳ vọng của các tập đoàn bán dẫn Nhật Bản với Thủ tướng

Mai Hà
Mai Hà
16/12/2023 09:06 GMT+7

Sáng sớm nay 16.12 giờ địa phương, trước khi bắt đầu tham dự các diễn đàn doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian ăn sáng với lãnh đạo 10 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn của Nhật Bản.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn lớn của Nhật Bản đã đặt nhiều câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Kỳ vọng của các tập đoàn bán dẫn Nhật Bản với Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản với hơn 600 doanh nghiệp Nhật Bản

NHẬT BẮC

Ông Yoshitaka Kitao, Chủ tịch Tập đoàn SBI Holdings, cho biết tập đoàn đang xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản và trong tương lai xem xét mở rộng ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông là những điểm đến đầy hứa hẹn.

SBI Holdings đã đầu tư vào sàn giao dịch điện tử Sendo, ứng dụng công nghệ đa tính năng Utop và công ty phát triển phần mềm SBI FPT. Theo ông Kitao, Việt Nam trở thành địa điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, tập đoàn muốn biết đường hướng của Việt Nam về thu hút các nhà máy sản xuất bán dẫn từ nước ngoài trong tương lai.

“SBI Holdings có thể hỗ trợ Việt Nam những chiến lược để phát triển nền kinh tế. Hy vọng của Việt Nam trong hợp tác từ các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến chế tạo bán dẫn là gì?”, ông Kitao nêu câu hỏi với Thủ tướng.

Ông Koji Ajima, đại diện Tập đoàn Denso, cho biết việc củng cố chuỗi cung ứng trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất, sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng là vô cùng quan trọng. Mối quan hệ đối tác được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ nhằm tăng cường an ninh và chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ giúp tăng thêm nhiều nguồn cung về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông cũng đặt câu hỏi thế mạnh của Việt Nam là gì trong lĩnh vực này? Điểm mấu chốt như đào tạo nhân lực, kỹ năng ra sao? Lĩnh vực bán dẫn rất rộng, vậy Chính phủ Việt Nam có định hướng tập trung vào mảng nào?

Kỳ vọng của các tập đoàn bán dẫn Nhật với Thủ tướng - Ảnh 1.

Ông Yoshitaka Kitao, Chủ tịch Tập đoàn SBI Holdings

NHẬT BẮC

Đây cũng là câu hỏi được ông Hidetoshi Shibata, Chủ tịch và CEO Renesas, đặt ra. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ khánh thành một nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất thế giới vào đầu năm sau tại Nhật Bản. Ông Shibata mong muốn được biết Việt Nam đặt ra kỳ vọng gì để doanh nghiệp Nhật Bản có thể làm cho Việt Nam liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chia sẻ với các tập đoàn Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhắc lại câu chuyện vừa rồi khi đến Việt Nam, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang - tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới đã nhận định Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi có đầy đủ các điều kiện để tích hợp sâu ngành công nghiệp bán dẫn và AI.

Ông cho biết hiện nay Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và Thủ tướng đang giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT giao các trường đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn cho đến năm 2030. “Định hướng của Việt Nam là không chỉ cung ứng nhân lực bán dẫn cho Việt Nam mà cho cả Nhật Bản”, ông Bình nói.

Kỳ vọng của các tập đoàn bán dẫn Nhật với Thủ tướng - Ảnh 2.

Ông Hidetoshi Shibata, Chủ tịch và CEO Renesas

NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tầm quan trọng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư. Theo người đứng đầu Chính phủ, hai nước đang có mối quan hệ tốt đẹp. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng nhấn mạnh hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nhưng vấn đề là làm thế nào để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là đất nước luôn giữ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo sự ổn định về chính trị, bởi đây là yêu cầu cơ bản quyết định việc các nhà đầu tư có muốn đến Việt Nam hay không.

Việt Nam đang xây dựng và phát triển đất nước với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh toàn dân, kết hợp sức mạnh trong và ngoài nước, sức mạnh dân tộc và quốc tế.

Việt Nam cũng đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Người dân là trung tâm, chủ thể trong các chính sách của Nhà nước. Người dân tham gia vào các chính sách và được thụ hưởng lợi ích của chính sách.

Một định hướng quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ quy luật khách quan nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết.

Ví dụ, đại dịch Covid-19 hay chiến tranh trên thế giới như vừa qua, Nhà nước cần can thiệp để giữ sự ổn định, bền vững và lành mạnh của thị trường. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm cho các doanh nghiệp đến Việt Nam yên tâm làm ăn, phát triển lâu dài.

“Đây là yếu tố rất quan trọng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và chia sẻ định hướng của Việt Nam khi xác định nội lực là chính, nhưng không thể thiếu ngoại lực; xác định độc lập, tự chủ nhưng không thể thiếu hội nhập, vì chỉ có độc lập, tự chủ mới đứng vững được trước các “cơn gió ngược”.

Muốn vậy, phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cân bằng thị trường lao động; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; kiểm soát bội chi ngân sách… Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão của thế giới hiện nay”.

Không có ODA Nhật Bản, sao có những cây cầu lớn như Nhật Tân, Bãi Cháy

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, trước hết phải có hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Kỳ vọng của các tập đoàn bán dẫn Nhật với Thủ tướng - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản

NHẬT BẮC

“Việt Nam xác định đây là yêu cầu khách quan. Thế giới phát triển, Việt Nam cũng phải phát triển. Đây là lựa chọn chiến lược vì muốn đi nhanh phải đi tắt đón đầu, đó phải là khoa học - công nghệ, mà là ngành bán dẫn”, Thủ tướng nói, và nhấn mạnh, đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang xây dựng các chính sách ưu tiên cho các ngành mới nổi, trong đó có ngành sản xuất chip bán dẫn.

Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng chính sách này, ưu tiên các tập đoàn lớn đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Việt Nam mong muốn phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn đột phá theo tinh thần đi sau về trước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là về ODA, Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi không có ODA của Nhật Bản làm sao có những cây cầu lớn như cầu Nhật Tân, Bãi Cháy…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.