'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Ngôi điện quan trọng của triều Nguyễn thành phế tích

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
19/02/2024 06:57 GMT+7

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, cuối cùng dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh đã hoàn tất hồ sơ, báo cáo trước Hội đồng khoa học về trùng tu di sản cố đô Huế. Hành trình nghiên cứu gặp nhiều trở ngại, nhưng cũng gặp được "kỳ duyên", nhất là khi có nhóm bạn trẻ cùng nhập cuộc...

Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh trong hoàng cung triều Nguyễn vừa được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế báo cáo trước Hội đồng khoa học về trùng tu di sản cố đô Huế để triển khai thực hiện.

NƠI THƯỜNG TRIỀU THÀNH PHẾ TÍCH

Sau lưng điện Thái Hòa, du khách đi qua khoảng sân lát gạch rộng thẳng vào giữa Tả vu và Hữu vu với những vạc đồng, là đang đứng trên vị trí nền móng còn sót lại của điện Cần Chánh. Ngôi điện nguy nga tráng lệ tiêu biểu cho vương quyền giờ chỉ còn trơ lại nền móng với những mảng chân tường gạch đổ. Những năm qua, nơi đây được dùng để tổ chức các buổi dạ nhạc tiệc trong các chương trình Đêm hoàng cung.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Ngôi điện quan trọng của triều Nguyễn thành phế tích- Ảnh 1.

Vị trí điện Cần Chánh trên trục thần đạo chỉ còn lại nền móng

D.T

Theo tư liệu lịch sử, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), là một trong 3 ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn, trên trục thần đạo gồm điện Thái Hòa, điện Cần Chánh và điện Càn Thành. Tiếp nối trên trục thần đạo này còn có một số công trình như cung Khôn Thái (nơi ở của hoàng hậu, hoàng quý phi), điện Kiến Trung (được vua Khải Định cho xây vào năm 1921 - 1923) để làm nơi sinh hoạt hằng ngày của nhà vua…

Nếu như điện Thái Hòa là nơi cử hành các nghi lễ trọng đại của quốc gia như lễ đăng quang, vạn thọ, tứ tuần hoặc ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), hưng quốc khánh niệm (quốc khánh)... và thực hiện các nghi thức ngoại giao, điện Càn Thành là nơi ở chính của vua, thì điện Cần Chánh là nơi nhà vua tổ chức các buổi lễ thường triều, nơi làm việc thường xuyên giữa hoàng đế và nội các, tiếp các sứ bộ quan trọng, tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ…

Tháng 5 năm Gia Long thứ 5 (1806), triều đình ấn định vào những ngày mùng 5, 10, 20, 25 đặt thường triều ở điện Cần Chánh, quan từ tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều vào lạy chầu. Tuy nhiên, định kỳ thường triều này về sau có thể thay đổi theo từng đời vua. Cụ thể, từ thời vua Tự Đức và các vua Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định khi có việc trọng đại vua mới ngự ở điện Cần Chánh.

Năm 1947, ngôi điện bị hư hại trong chiến tranh, hiện chỉ còn lại nền móng.

HÀNH TRÌNH HƠN 60 NĂM NGHIÊN CỨU PHỤC HỒI

Theo Dư địa chí Thừa Thiên-Huế, điện Cần Chánh đặt trên nền cao gần 1 m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá Thanh, diện tích gần 1.000 m2; chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Bộ khung gồm 80 cột bằng gỗ lim, phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống VN thế kỷ 19.

Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, trên các hàng cột hai bên treo những bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn. Dưới thời nhà Nguyễn, điện từng được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899 và đến đời vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ 20.

Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế, thông qua tài liệu sưu tầm được cho thấy giai đoạn 1962 - 1963, một dự án tu bổ tái thiết điện Cần Chánh đã được đề xuất trình lên Phủ Tổng thống chính quyền miền Nam nhưng sau đó không được thực hiện. Theo tư liệu mới tìm thấy, năm 1963, Đức Tổng giám mục Giáo thụ Huế và Hội Bảo cổ Thần kinh Huế đã đề xuất lên Nha Tổng giám đốc Kiến thiết và Thiết kế đô thị trực thuộc Phủ Tổng thống chính quyền miền Nam một dự án tái thiết điện Cần Chánh. Nha Tổng giám đốc Kiến thiết và Thiết kế đô thị sau khi nhận được đề nghị từ Đức Tổng giám mục Giáo thụ Huế đã có công văn thượng khẩn, gửi Viện Khảo cổ học yêu cầu cung cấp họa đồ để làm cơ sở lập dự án tái thiết điện Cần Chánh. Dự án đã được trình lên Phủ Tổng thống và được hồi đáp đồng ý triển khai, tuy nhiên sau đó gặp một số trục trặc kỹ thuật nên đã không được triển khai.

Hơn 30 năm sau, năm 1994, một cơ hội khác đã đến khi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế ký kết hợp tác với Đại học Waseda (Nhật Bản) về nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh. Hai bên đã xây dựng thành công một hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: mô hình điện Cần Chánh tỷ lệ 1/50 và đang thực hiện lắp ghép mô hình điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 để tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, dự án phục hồi điện Cần Chánh vẫn bế tắc vì nhiều "điểm mờ" lịch sử chưa được làm sáng tỏ.

Như vậy, công việc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh từ năm 1963 đến nay đã trải qua hơn 60 năm (1963 - 2024).

"Đến nay công việc nghiên cứu dự án đã có đủ cơ sở khoa học, tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai dự án trùng tu ngôi điện quan trọng này của hệ thống di tích cố đô Huế", ông Hồ Hữu Hành cho biết. Theo đó, dự án được đề xuất sẽ thực hiện trùng tu phục hồi toàn bộ ngôi điện với tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan vốn có dưới thời triều Nguyễn, với kinh phí gần 200 tỉ đồng, thực hiện trong thời gian 4 năm. Các thành viên Hội đồng khoa học trùng tu di tích cố đô Huế cũng đã góp ý để hoàn thiện dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.