Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chưa hết sóng gió

28/02/2024 07:00 GMT+7

Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa đưa ra báo cáo mới về tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Việt Nam là một trong các điểm sáng

Báo cáo trên nhận định: "Các nền kinh tế ở APAC có kết quả không đồng nhất. Bước vào năm 2024, Nhật Bản cũng có thể rơi vào suy thoái vì nhu cầu nội địa ít ỏi và Trung Quốc đang gặp khó khăn để đối phó với sự trì trệ của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể nhờ xuất khẩu hàng điện tử, nhu cầu nội địa tương đối mạnh, chi tiêu của chính phủ và kiều hối tăng".

Cũng theo đó, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều tăng trưởng trong quý 4/2023. Về GDP hằng quý, đã có sự cải thiện rõ rệt so với đầu năm. Philippines và Đài Loan có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng vào cuối năm. Đài Loan có vị trí tốt để hưởng lợi từ sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo và nhu cầu liên quan đến chip có thể xử lý tính toán quy mô lớn. Và tại Philippines, sự phục hồi sau đại dịch vẫn tiếp tục, được hỗ trợ bởi lượng kiều hối ra nước ngoài kỷ lục về giá trị vào năm ngoái đã thúc đẩy nhu cầu trong nước mạnh mẽ.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chưa hết sóng gió- Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn

Reuters

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ dẫn đầu khu vực trong suốt năm 2023. Ngược lại, nền kinh tế lớn thứ 2 của APAC là Nhật Bản trải qua 2 quý có GDP liên tiếp giảm. Tại nước này, nhu cầu nội địa yếu do lạm phát đang vượt xa mức tăng lương và kim ngạch xuất khẩu đã chậm lại cùng với nhu cầu nước ngoài yếu hơn. Còn với Trung Quốc, nền kinh tế đã suy thoái kể từ giữa năm 2023 khi các nhà sản xuất phải đối mặt với nhu cầu trong nước và xuất khẩu yếu; lĩnh vực bất động sản vẫn rất khó khăn.

Triển vọng sắp tới như thế nào ?

Về thương mại, một yếu tố thống nhất giữa các nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất APAC là xuất khẩu yếu, đặc biệt là đối với hàng hóa trung gian do thị trường Mỹ và châu Âu đều khó khăn. Thực tế, tổng thương mại toàn cầu đã suy thoái nhẹ kể từ khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022.

Xu hướng này đang diễn ra rõ ràng ở Mỹ, nơi xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm hằng năm trong năm qua. Báo cáo trên kỳ vọng các đơn đặt hàng của Mỹ sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu hạ lãi suất.

Trung Quốc, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế APAC, có mức tăng trưởng xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều yếu trong phần lớn năm 2023, ngay cả khi tăng trưởng thương mại với Nga. Nhu cầu tiêu dùng thấp ở Trung Quốc thể hiện qua sự giảm phát dai dẳng của giá tiêu dùng. Nhập khẩu các mặt hàng cơ bản của Trung Quốc, phần lớn đến từ Đông Nam Á và Úc, đã "đi ngang" trong thời gian qua.

Công ty phân tích Moody's kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ hạ lãi suất và chính quyền nước này sẽ áp dụng một số chương trình kích thích kinh tế. Việc triển khai các chương trình kích thích kinh tế có lẽ sẽ được thông qua trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 5.3 tới đây. Kỳ họp này bao gồm 2 phiên họp của Nhân Đại (Quốc hội Trung Quốc) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tương tự T.Ư Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam).

Về tình hình chung, kỳ vọng cho năm tới là lạm phát được chế ngự sẽ cho phép các ngân hàng trung ương của khu vực giảm lãi suất trong nửa cuối năm để kích thích chi tiêu và đầu tư.

Xuất khẩu cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện song hành tăng trưởng toàn cầu trong nửa cuối năm 2024. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các nền kinh tế APAC, đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc. Trong đó, nhu cầu nâng cấp thiết bị điện tử và chip hiệu suất cao cần thiết cho trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ củng cố xuất khẩu ngày càng tăng. Nhu cầu cũng sẽ tăng đối với ô tô, phụ tùng ô tô và dược phẩm.

Nhật Bản: Lạm phát giảm nhưng vẫn cao hơn dự báo

Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản tháng 1 vừa qua đã chậm lại, ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp chậm lại, đạt mức 2% như mục tiêu của Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) và thấp hơn mức 2,3% của tháng 12.2023. Tuy nhiên, mức 2% vẫn cao hơn dự báo chỉ 1,8% trước đó, nên làm tăng kỳ vọng các công ty lớn sẽ tăng lương sau cuộc đàm phán sắp diễn ra vào ngày 13.3 tới đây. Nếu kịch bản này diễn ra sẽ có thể khiến BOJ chấm dứt việc lãi suất cơ bản âm vào tháng 3 hoặc 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.