Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn nhiều hứa hẹn

03/08/2023 07:33 GMT+7

Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's, một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa cập nhật báo cáo về kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tác động từ Trung Quốc

Theo báo cáo trên, kết quả kinh tế nửa đầu năm của Trung Quốc được công bố vào tháng 7 đã gây lo ngại cho nhiều nước, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Cụ thể, GDP Trung Quốc trong quý 2/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quý 2/2022, Trung Quốc vẫn còn áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách Zero-Covid nên nền kinh tế khi đó tăng trưởng rất chậm. Chính vì thế, dù tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kinh tế Trung Quốc quý 2 vừa qua chỉ tăng 0,8% so với quý 1. Trong khi đó, quý 1/2023 tăng 2,2% so với quý kế trước.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn nhiều hứa hẹn - Ảnh 1.

Kinh tế VN vẫn được kỳ vọng là điểm sáng trong khu vực

Ngọc Thắng

Nửa đầu năm 2023, kinh tế đối mặt nhiều khó khăn như tiêu dùng đình trệ, thị trường bất động sản vẫn gặp khó và đầu tư giảm sút. Không những vậy, tỷ lệ thất nghiệp của độ tuổi từ 16 - 24 đã tăng từ mức 20,8% trong tháng 5 lên 21,3% trong tháng 6.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, tiêu dùng giảm đã khiến cho các nước trong khu vực có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nửa đầu năm 2023, một số nước Đông Nam Á đã giảm kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc từ 8 - 25% so với cùng kỳ năm 2022. Thêm vào đó, kinh tế cũng đình trệ ở nhiều nước phát triển vốn đều là những thị trường xuất khẩu then chốt của không ít nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc vào năm 2022 đã khiến các nhà xuất khẩu hàng hóa phải chịu hệ quả mức giá biến động cao trong suốt nhiều tháng.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn nhiều hứa hẹn - Ảnh 2.

Nguồn: Công ty phân tích Moody’s - Đồ họa: Minh Tưởng

VN là một trong các điểm sáng

Theo báo cáo trên, Công ty phân tích Moody's kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt nhiều thách thức.

Trong khi đó, những tháng cuối năm nay, tình hình của các nền kinh tế còn lại trong khu vực dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể so với những tháng vừa qua. Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực sẽ tiếp tục được ghi nhận ở VN, Philippines, Indonesia và Ấn Độ. Đây là những nền kinh tế có thị trường lao động mạnh, các chính sách tài khóa hỗ trợ tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng.

Xa hơn, năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2023, khi thương mại toàn cầu tăng tốc nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển và sự cải thiện tình hình kinh tế ở Trung Quốc. Kinh tế các nước VN, Singapore, Thái Lan sẽ tăng tốc vào năm tới. Trong đó, nền kinh tế tuy nhỏ nhưng cởi mở của Singapore sẽ phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế dựa vào du lịch của Thái Lan, được hỗ trợ bởi lĩnh vực công nghiệp ô tô và máy móc điện tử, sẽ được hưởng lợi từ sự quay trở lại của khách du lịch và nhu cầu hàng hóa toàn cầu. VN một lần nữa đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khắp khu vực và điều này sẽ được thể hiện rõ trong nền kinh tế thực trong năm tới.

Với nhiều sự mất cân bằng trong nền kinh tế, triển vọng của Trung Quốc vẫn không chắc chắn. Tuy nhiên, việc cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.