'Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những công chức suy thoái, biến chất'

20/05/2023 20:31 GMT+7

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đối với công chức THADS có biểu hiện suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật mà không chờ hết nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, vừa ký ban hành công văn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác tổ chức cán bộ THADS.

Công văn nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực thời gian qua, có lúc, có nơi người đứng đầu cơ quan THADS còn chưa thật sự nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ lãnh đạo, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký… chưa thường xuyên, có nơi thiếu sâu sát dẫn đến sai phạm.

Một số địa phương chậm thực hiện quy hoạch, không chủ động đào tạo nguồn cán bộ, việc xử lý cán bộ vi phạm còn chưa nghiêm và còn nể nang; ảnh hưởng đến việc củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống THADS.

'Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những công chức suy thoái, biến chất' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp

TỔNG CỤC THADS

Trước tình trạng này, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc tổng cục, cục trưởng các cục THADS chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ công chức thi hành án; tăng cường giám sát, kiểm tra chế độ công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm hoặc có dư luận sách nhiễu, "vòi vĩnh" nhằm mục đích tư lợi cá nhân.

"Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy các công chức THADS có biểu hiện suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật không chờ hết nhiệm kỳ; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí phải chuyển đổi theo đúng quy định", nội dung công văn nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cũng đề nghị tập trung chỉ đạo phòng, chống 19 nhóm hành vi tiêu cực, trọng tâm là công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Điển hình như hành vi đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác...

Hay như việc lợi dụng công việc để trục lợi; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực, chia rẽ mất đoàn kết nội bộ; phát ngôn, lợi dụng mạng xã hội để thông tin tiêu cực về ngành, lĩnh vực công tác.

Nhóm hành vi khác cũng được liệt kê gồm: "tư duy nhiệm kỳ", cơ hội, vụ lợi, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi.

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS còn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ; đẩy mạnh kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới và với cá nhân liên quan trực tiếp đến tất cả các khâu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; ví dụ như tổ chức thi hành án, tổ chức cán bộ, tài chính - kế toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.