Kịch trẻ chờ nhà đầu tư

Hoàng Kim
Hoàng Kim
26/01/2024 07:02 GMT+7

Hiện nay, có rất nhiều vở kịch tốt nghiệp của sinh viên trường sân khấu hoặc học viên tại các trung tâm đào tạo sân khấu, chất lượng nhìn chung đều khá, đầu tư nghiêm túc. Nhưng liệu có uổng phí khi biểu diễn tốt nghiệp xong thì cũng bỏ luôn những vở kịch này?

LÀN GIÓ MỚI

Nhiều khán giả đi xem vở tốt nghiệp của các bạn trẻ thấy ngạc nhiên và không ít lời khen ngợi khi các em hoàn thành tốt hơn dự kiến. Với quá trình học trung bình chỉ 3 năm mà các em đã thực hiện được những vở như vậy thì không thể không ghi nhận.

Kịch trẻ chờ nhà đầu tư- Ảnh 1.

Vở Đêm khuya về với mẹ của sinh viên Võ Ngọc Tiến

H.K

Sân khấu cũ tương đối nhỏ thì tôi để các em diễn 100%, nhưng về Phú Nhuận khán giả khó tính hơn, thôi thì kết hợp như vậy cho các em đỡ áp lực. Nói chung, tôi tạo mọi điều kiện để các em được làm nghề, rồi dần phát triển lên. Mình không giúp các em đất diễn thì tốt nghiệp xong dễ bị mai một nhân tài.

Đạo diễn Quốc Thảo

Chẳng hạn, vở Đêm khuya về với mẹ của sinh viên Võ Ngọc Tiến thi tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Vở có nội dung cách mạng nhưng cũng rất hiện đại, gần gũi, sinh động, dễ xem và khiến khán giả rơi nước mắt.

Màn đóng lại, mọi người vẫn trầm trồ bàn tán, ngay cả các khán giả trẻ cũng bày tỏ rằng họ theo dõi từ đầu đến cuối vở không thấy chán. Võ Ngọc Tiến đã phả một làn gió mới vào vở kịch cách mạng, thêm âm nhạc và múa, khiến Đêm khuya về với mẹ trở thành một tác phẩm không thua gì của nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thú vị ở chỗ, diễn viên đều là sinh viên của trường, và họ đã chinh phục người xem. Vở kịch như vậy xứng đáng được đầu tư để biểu diễn rộng rãi, nếu xếp lại rất uổng.

Được biết, Võ Ngọc Tiến đang chạy đôn chạy đáo tìm tài trợ để tham gia Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2024. Số tiền 300 triệu đồng bỏ ra khi dựng tốt nghiệp cũng nhờ mọi người giúp đỡ, và nếu tham gia Liên hoan thì cần trợ giúp khoảng gần 100 triệu đồng nữa (dành cho ăn uống, đi lại, âm nhạc, ánh sáng, cát sê "nhè nhẹ" cho diễn viên trẻ, và nặng nhất là cát sê cho 15 diễn viên múa, mà múa tới 4 bài). Ai sẽ đỡ đầu cho chàng đạo diễn đầy triển vọng này? Sau khi dự liên hoan, nhóm bạn trẻ còn mong ước sẽ đi diễn phục vụ, vậy Sở VH-TT TP.HCM hoặc các ban ngành có duyệt kinh phí hỗ trợ hay không?

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Sở có chương trình phục vụ ngoại thành, có thể cấp kinh phí cho các em. Hoặc Ban Tuyên giáo nếu muốn đầu tư thì cũng có thể chọn. Chỉ khó ở chỗ, đầu tư kinh phí phải thanh toán, quyết toán, như vậy phải có địa chỉ, có đơn vị đầy đủ tư cách pháp nhân, trong khi các em sinh viên thi tốt nghiệp như vậy thì không có đơn vị để hoàn tất thủ tục. Tiền nhà nước bắt buộc phải rõ ràng, biết sao bây giờ". Đó là cái lý. Nhưng về cái tình thì rõ ràng chúng ta không thiếu cách xoay xở, gỡ khó để khuyến khích lớp trẻ, nuôi dưỡng tài năng.

Thêm vấn đề nữa, Sở hoặc các ban ngành cũng cần có người tư vấn, để biết vở tốt nghiệp nào khá mà đầu tư. Người tư vấn có thể là thầy cô của trường, hoặc cán bộ Hội Sân khấu…, những người nắm rõ nhất lực lượng trẻ của mình để giới thiệu đến các nhà tài trợ. Những việc này vẫn loay hoay, chưa biết tìm kiếm, triển khai như thế nào.

Sân khấu xã hội hóa giúp học viên tốt nghiệp

Về phía các sân khấu xã hội hóa thì có vẻ ổn hơn, vì các ông bà bầu của các trung tâm đào tạo vừa dạy học trò vừa lo đất diễn luôn cho các em. Nhiều vở tốt nghiệp xong được đem ra bán vé, có thêm bớt diễn viên "ngôi sao" để thu hút khán giả.

Kịch trẻ chờ nhà đầu tư- Ảnh 2.

Vở Mặt nạ của học viên sân khấu Quốc Thảo

H.K

Chẳng hạn, vở Bông cánh cò của đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh tốt nghiệp tại sân khấu Hồng Vân rất khá, đã được chuốt lại với sự có mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Vân, Thanh Thủy, Cẩm Ly, Minh Luân, Lê Lộc, Thanh Duy, Tuấn Dũng… Hoặc vở Ai tư vãn được chuốt lại thành Tình sử Thăng Long với sự tham gia của Kim Tử Long, Trinh Trinh, Hoàng Sơn… sẽ công diễn tết này. NSND Hồng Vân nói: "Các em thi tốt nghiệp dĩ nhiên được đóng vai chính để chấm điểm. Nhưng khi bán vé thì các em chỉ đóng vai nhỏ thôi, bởi còn rèn nghề thêm cho vững".

Sân khấu Quốc Thảo cũng có hàng loạt vở như Con quỷ rối, Bí mật Cẩm Tú Đài, Mặt nạ, Yêu ông thầy… được Quốc Thảo cho công diễn bán vé với dàn học trò vừa thi tốt nghiệp. Anh ít tăng cường ngôi sao, để các em tự "bơi" và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, hiện nay đạo diễn Quốc Thảo đã thuê địa điểm mới là Trung tâm văn hóa Phú Nhuận. Sân khấu khá lớn, nên anh phải tăng cường những tên tuổi như Linh Tý, Bích Trâm, Hồng Loan, Bá Thắng… Anh nói: "Sân khấu cũ tương đối nhỏ thì tôi để các em diễn 100%, nhưng về Phú Nhuận khán giả khó tính hơn, thôi thì kết hợp như vậy cho các em đỡ áp lực. Nói chung, tôi tạo mọi điều kiện để các em được làm nghề, rồi dần phát triển lên. Mình không giúp các em đất diễn thì tốt nghiệp xong dễ bị mai một nhân tài".

Thực sự những vở tốt nghiệp đầu tư rất nhiều tiền bạc lẫn công sức, chưa kể hầu như vở nào cũng nghiêm túc, không chạy theo thị trường, giúp lớp trẻ làm nghề tử tế, vì vậy rất xứng đáng đi tiếp chứ không nên bỏ phí, nhất là trong bối cảnh sân khấu luôn cần những vở hay, chất lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.