Nghệ sĩ sân khấu bao lâu mới nổi tiếng?

Hoàng Kim
Hoàng Kim
19/01/2024 07:10 GMT+7

Nghệ sĩ sân khấu thường xuất hiện với hào quang rực rỡ, được khán giả ái mộ. Nhưng để được nổi tiếng như vậy, đa số họ phải trải qua một thời gian khá dài với những bước đi gian nan, sự khổ luyện, nhẫn chịu, kiên trì.

CON NHÀ NÒI HAY QUÁN QUÂN CŨNG ĐỀU CHẬT VẬT

NSND Kim Xuân đang là gương mặt xuất hiện liên tiếp trong các phim điện ảnh, và ở sân khấu kịch bà cũng là một nghệ sĩ giỏi, có nhiều vai nặng ký. Nhưng ít ai biết ngày xưa lúc học nghề ở đoàn Cửu Long Giang, bà phải đi dần từ vai quần chúng, tới vai phụ, hoặc quay những phim video nho nhỏ, đi tấu hài, thậm chí có những năm phải đi bán quần áo ở chợ để bảo đảm cuộc sống gia đình. Khi sân khấu thể nghiệm 5B ra mắt, nghệ sĩ Kim Xuân xin về đó diễn mà chấp nhận không có thù lao. Chính ở 5B, bà phát triển sự nghiệp, rồi sau đó về sân khấu Idecaf đảm nhận những vở chính kịch nặng ký, trở thành nghệ sĩ giỏi. Có thể nói, Kim Xuân mất khoảng 8 năm mới tỏa sáng, nhưng hào quang của bà thuộc loại bền bỉ và đến nay dù đã hơn 70 tuổi bà vẫn được mời vào những vai rất khó.

Nghệ sĩ sân khấu bao lâu mới nổi tiếng ?- Ảnh 1.

NSND Kim Xuân (trái) và Vân Trang trong vở Ngôi nhà không có đàn ông

H.K

NSƯT Hữu Châu tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 1985 nhưng không có đất làm nghề vì sân khấu ít quá, cũng không ai muốn nhận anh chàng sinh viên mới tốt nghiệp ốm nhom ốm nhách. Hữu Châu làm đủ thứ nghề để sống, từ bơm xe, bán báo, bán thuốc lá vỉa hè… Vài năm sau, anh bắt đầu tham gia các nhóm tấu hài với các nghệ sĩ như Bảo Quốc, Tấn Thi, Trung Dân, Kim Xuân, Chí Hiếu… Năm 1994, Hữu Châu kết hợp với Minh Nhí lập nhóm tấu hài riêng và từ đó nổi tiếng, chạy show không kịp. Bên cạnh đó, các vở lớn ở đoàn kịch Kim Cương, sân khấu 5B và Idecaf như Đời luận anh hùng, Âm mưu và tình yêu, Cái tráp vàng cũng mang đến hào quang cho Hữu Châu. Như vậy anh cũng mất gần 10 năm bôn ba mới tỏa sáng.

Nghệ sĩ sân khấu bao lâu mới nổi tiếng ?- Ảnh 2.

Võ Minh Lâm trong vở Nàng Xê Đa

H.K

Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh là con nhà nòi của đoàn Huỳnh Long, 6 tuổi đã thọ giáo đoàn Đồng ấu Bạch Long, 17 tuổi chính thức tham gia đời nghệ sĩ. Năm cô 20 tuổi, cha mất, gánh nặng dồn hết lên đôi vai bé nhỏ, Bình Tinh phải tất bật nhận show cúng đình, cúng miễu, đám ma, đám cưới… Cô nói: "Mình con nhà nòi mà lay lắt như hoa dại bên đường. Có lúc tôi tủi thân vì thấy bạn bè xuất hiện trên ti vi, trên sân khấu lớn. Nhưng tôi vui vì mình lo được cho gia đình". Chữ hiếu của Bình Tinh được đền đáp, năm 2016 cô đoạt giải quán quân cuộc thi Sao nối ngôi, và từ đó đi hát cát sê tăng từ vài triệu lên 20 - 30 triệu đồng. Khi nổi tiếng, Bình Tinh gầy dựng lại bảng hiệu Huỳnh Long, tổ chức những vở hoành tráng, đóng đào chánh lúc nào cũng rạng rỡ, nhiều người hâm mộ. Cô đã mất 12 năm kiên trì và khổ luyện với nghề.

Nghệ sĩ sân khấu bao lâu mới nổi tiếng ?- Ảnh 3.

Hồng Trang và Tiết Duy Hòa trong vở Biển

H.K

Võ Minh Lâm hiện là "ngôi sao" của cải lương, anh cũng mất 10 năm gian nan, dù 17 tuổi đã đoạt giải Chuông vàng vọng cổ. Từ khi đoạt giải cho tới lúc tham gia thực tế nghề hát là một khoảng cách không nhỏ, anh vẫn tiếp tục trải qua những gian truân rèn nghề, cả những ganh tị, so bì để tỏa sáng. Võ Minh Lâm ca hay, diễn giỏi, vũ đạo tốt, anh tập luyện thể hình để đóng kép đẹp. "Tôi cảm ơn những gian nan đó, vì giúp tôi hiểu giá trị của sự nổi tiếng, không dám kiêu căng với đồng nghiệp, hoặc chủ quan tập luyện hời hợt. Đường đi gập ghềnh có giá trị của sự răn dạy, nhắc nhở", Võ Minh Lâm nói.

BÔN BA, BỀN BỈ ĐỂ TỎA SÁNG

Nhiều nghệ sĩ khác dù đóng vai phụ nhưng cũng phải tròm trèm 10 năm, thậm chí 20 năm, khán giả mới nhớ đến mình. Nghệ sĩ Phi Phụng vào đoàn Bông Hồng từ năm 1980 với vai trò kế toán, rồi đóng thay vai cho vài nghệ sĩ, thế là mê nghề, theo luôn. Vì là tay ngang nên Phi Phụng vất vả với nghề, toàn đóng những vai nhỏ xíu, tấu hài, ca nhạc, bán yaourt kiếm thêm… Đến năm 2003 khi về Idecaf, chị được tham gia vở Phép lạ, khán giả bắt đầu yêu mến "cái bà" mập mập lùn lùn hết sức dễ thương này. Vậy là "tới luôn", Phi Phụng được mời nhiều vai khác trong sân khấu và phim ảnh. 20 năm với cả thanh xuân, nhưng "hoa nở muộn" lại đắt show, âu cũng là hạnh phúc.

Hồng Trang là một nghệ sĩ vô cùng lận đận, nhưng lửa nghề không bao giờ tắt. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình TP.HCM năm 2001 nhưng không có việc làm, cô ghi danh học tiếp Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tốt nghiệp năm 2006. Vẫn thất nghiệp, Hồng Trang học tiếp khoa đạo diễn, lấy bằng năm 2009. Trong thời gian học, Hồng Trang làm đủ thứ nghề như MC cho đám cưới, hội chợ, thông tin lưu động… với cát sê ít ỏi. Năm 2010, Hồng Trang mạnh dạn lập nhóm kịch Đời để mình và các bạn trẻ như mình có đất diễn, dám làm "bà bầu" dẫn quân đi hát trong các quán cà phê, dựng toàn chính kịch. Thế rồi sân khấu Thế Giới Trẻ mời Hồng Trang về, nhờ vậy cô có những vai hay, dù là vai phụ. Từ đây, Hồng Trang được khán giả chú ý và yêu mến, báo chí đặt cho cô biệt danh "Nữ hoàng trợ diễn", cô đóng bi rất tự nhiên, sâu sắc, tâm lý tinh tế, hỗ trợ tốt cho thí sinh. Bản thân Hồng Trang cũng từng đoạt giải Mai Vàng và huy chương bạc trong Liên hoan Sân khấu toàn quốc.

Điểm qua rất nhiều gương mặt nghệ sĩ, có thể thấy 10 năm là khoảng thời gian trung bình để họ vượt qua thử thách mà ở lại với nghề và được vinh danh. Đó là thời gian quý giá để nghệ sĩ rèn nghề và rèn cả đạo đức, chứ không hề uổng phí.

NSƯT Hữu Châu từng nói: "Ai thành công sớm quá, dễ quá thì thường sinh tánh ngạo mạn, ít thương đồng nghiệp, ít trân trọng nghề. Cứ từ từ mà đi, vừa nỗ lực nhưng cũng vừa bình tĩnh, chứ cái nghề không "dú ép" được đâu". Hữu Châu cũng chia sẻ: "Ai làm nghề cũng mong nổi tiếng, nhưng nghề chưa vững mà được tung hô coi chừng hại hơn là lợi, vì không còn muốn phấn đấu nữa. Tuy nhiên, nếu các đơn vị biết tạo cơ hội cho tài năng thì vẫn tốt hơn, để nghệ sĩ đừng tốn nhiều thời gian, trôi cả thanh xuân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.