Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập:

Không phát triển quỹ tài trợ, bảo tàng tư nhân khó cất cánh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/06/2023 07:00 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, cho biết nếu xã hội không phát triển các quỹ tài trợ thì bảo tàng, nhất là bảo tàng tư nhân, rất khó cất cánh.

Sắc lệnh số 65/SL ngày 23.11.1945 được ban hành chỉ sau ngày VN độc lập hơn 2 tháng, đặt nền móng cho giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Tới năm 2001, khái niệm "bảo tàng tư nhân" xuất hiện đầu tiên ở luật Di sản văn hóa, tới năm 2009 được đổi thành "bảo tàng ngoài công lập" khi sửa đổi bổ sung luật này. Ông đánh giá thế nào về hành trình đó?

PGS-TS Nguyễn Văn Huy: Hiện tại, đã có tới 66 bảo tàng tư nhân với chủ đề đa dạng, có bảo tàng về lịch sử cách mạng, kháng chiến, có bảo tàng về hội họa, tiền cổ, tin học, nghề và bảo tàng về một nhân vật. Nhưng có thể nói những người làm bảo tàng tư nhân đa số là yêu thích, hầu hết tiềm năng và tiềm lực kinh tế đều không có. Trừ một số ít bảo tàng của đại gia có tiềm lực tương đối hoành tráng, còn lại các bảo tàng khác thì nho nhỏ, làm lấy nhiệt tình, lấy vui, lấy trách nhiệm.

Không phát triển quỹ tài trợ, bảo tàng tư nhân khó cất cánh - Ảnh 1.

Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng với trưng bày hiện đại và tinh thần Việt

Trinh Nguyễn

Chúng ta cũng còn thiếu cơ chế để khuyến khích hình thành và xúc tiến sự phát triển các quỹ, các tổ chức tài trợ. Bảo tàng (công lập, ngoài công lập) và quỹ tài trợ là 2 lĩnh vực có quan hệ tương hỗ khăng khít với nhau. Bảo tàng không thể hoạt động tốt và đa dạng nếu như không có quỹ tài trợ, ngược lại quỹ tài trợ muốn hoàn thành sứ mệnh của mình trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay giáo dục thì không thể không có đối tác quan trọng là bảo tàng. Xã hội chúng ta không phát triển các quỹ tài trợ thì bảo tàng, nhất là bảo tàng tư nhân, rất khó cất cánh.

Cũng có những bảo tàng ngoài công lập được địa phương hỗ trợ đất đai, nhưng hỗ trợ kết nối cho bảo tàng, kiểu như Hà Nội yêu cầu các trường phổ thông tới thăm Hoàng thành Thăng Long, lại chưa thấy, thưa ông?

Tiếp cận với trường học là một vấn đề lớn của bảo tàng tư nhân. Hiện nay các trường học chỉ nhìn di tích, bảo tàng lớn mà quên, bỏ lỡ những bảo tàng tư nhân rất gần với họ - mà tôi vẫn gọi là "di sản quanh chúng ta". Những bảo tàng như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Tố Hữu, Bảo tàng Lê Bá Đảng ở rải rác các quận huyện, địa phương, rất phù hợp để các trường phổ thông gần đó có thể tổ chức cho học sinh đi thăm kỹ, khai thác sâu theo từng lớp như một phong cách mới xem bảo tàng. Nhưng thật đáng tiếc, người ta không biết khai thác hệ thống ấy mà lại chỉ muốn tổ chức các đoàn lớn hàng trăm học sinh đi xa. Đi xa như thế chỉ cưỡi ngựa xem hoa, không thể đi sâu được.

Sự phát triển bảo tàng tư nhân có cho thấy sự phát triển bảo tàng công không, có ràng buộc lẫn nhau không, thưa ông?

Về cơ bản chúng không có hoặc ít ràng buộc trực tiếp với nhau nhưng gián tiếp thì chắc chắn có. Ví dụ, các bảo tàng đi đầu sẽ làm đầu tàu để lôi kéo chất lượng bảo tàng đi lên. Chẳng hạn, những năm 2000 thì Bảo tàng Dân tộc học VN là đầu tàu của ngành với việc đưa đổi mới trưng bày, ứng dụng công nghệ vào trưng bày, đưa tiếng nói của chủ thể văn hóa hay đưa trình diễn vào các hoạt động của bảo tàng. Luồng sinh khí mới từ bảo tàng đi đầu sẽ lôi kéo các bảo tàng công, tư khác thay đổi chất lượng, từ bỏ lối mòn cũ. Hiện tại Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng ở Huế với cách kể chuyện, chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật trưng bày ánh sáng… sẽ khiến các bảo tàng khác tại tỉnh Thừa Thiên-Huế phải giật mình mà tìm cách làm tốt hơn.

Không phát triển quỹ tài trợ, bảo tàng tư nhân khó cất cánh - Ảnh 2.

NVCC

Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập Hiệp hội Bảo tàng VN, Hiệp hội Bảo tàng tư nhân VN?

Từ lâu rồi tôi mong muốn sớm thành lập Hiệp hội Các bảo tàng ở VN, của những người làm nghề bảo tàng với nhau. Đây là một hội nghề nghiệp mà ở các nước thì hội bảo tàng có một vai trò rất quan trọng. Ở Mỹ, hội bảo tàng cầm trịch nhiều việc, đặc biệt là về những quy định đạo đức nghề nghiệp của nghề bảo tàng, họ có cả một tạp chí. Một hội riêng như thế sẽ tạo ra tiếng nói của những người làm nghề.

Thứ hai nữa là nên có hiệp hội bảo tàng tư nhân. Các bảo tàng tư nhân thực chất đang phải tự kiếm sống, tạo nguồn thu để hoạt động, khác với bảo tàng nhà nước. Vì thế nếu có một hiệp hội các bảo tàng tư nhân để chung tay với nhau, bảo vệ quyền lợi của nhau, giúp nhau trong mọi khía cạnh phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, như thế sẽ rất tốt.

Cả hai hiệp hội đó, nếu có, đều là những tổ chức xã hội giúp cho lĩnh vực bảo tàng ở nước ta phát triển.

"Bảo tồn cổ tích" là nhiệm vụ mà Sắc lệnh 65 đưa ra. Bảo tàng tư nhân đã "bảo tồn cổ tích" như Hồ Chủ tịch lúc đó mong muốn thế nào; có thể kỳ vọng về "cổ tích" tại bảo tàng ngoài công lập ra sao, thưa ông?

Cùng với bảo tàng công lập, các bảo tàng tư nhân và nhà sưu tập đang giữ được rất nhiều hiện vật, cổ vật, tư liệu của nhiều giai đoạn, với nhiều chủ đề khác nhau. Thậm chí, với sự giúp đỡ của nhà nước, bảo tàng tư nhân còn có thể có những hiện vật mà bảo tàng công không tài nào mua được, như trường hợp chiếc ấn Hoàng đế chi bảo mới mang về vừa rồi. Tuy nhiên, từ đó đẩy lên thành bảo tàng có chất lượng lại là một vấn đề khác. Đòi hỏi các bảo tàng tư nhân có chất lượng cao ngay thì chưa, nhưng dần dần sẽ có nhiều bảo tàng bắt kịp với trình độ cao hơn. Bảo tàng Tố Hữu, Nguyễn Văn Huyên, Fito (về dược học), Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng… đó là những bảo tàng tốt, đi theo hướng chú trọng chất lượng, bắt kịp nhu cầu đổi mới. Họ vừa giữ gìn tư liệu hiện vật vừa có cách kể chuyện rất chuyên nghiệp. Cũng đã chớm có bảo tàng của doanh nghiệp làm về lịch sử của mình. Đó là những "cổ tích" mới ở bảo tàng ngoài công lập.

Xin cảm ơn ông! 

Cục Di sản văn hóa cho biết đã bước đầu đề xuất một số nội dung trong sửa đổi luật Di sản văn hóa tới đây. Thứ nhất, về điều kiện để cấp giấy phép hoạt động, sửa đổi bổ sung theo hướng tách riêng điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập thành quy định riêng để phù hợp đặc thù của loại bảo tàng này. Thứ hai, về thẩm quyền cấp phép, sửa đổi, bổ sung theo hướng giao quyền cho cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương. Điều này nhằm tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thứ ba, bổ sung quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập; bổ sung quy định thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.

Mở đường cho bảo tàng tư nhân trưng bày ở nước ngoài

Hiện nay, các quy định, hướng dẫn về việc đưa di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân, hiện vật thuộc các bảo tàng ngoài công lập còn chưa rõ ràng, nên không thể tiến hành thủ tục pháp lý đưa chúng ra nước ngoài, tham gia trưng bày. Điều đó hạn chế khả năng phát huy tối đa giá trị cổ vật VN tới công chúng. Vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định về di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân đưa đi trưng bày, triển lãm tại nước ngoài, với đầy đủ hướng dẫn quy trình, điều kiện cho phép .

TS Hoàng Thanh Mai, Khoa Di sản văn hóa (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.