Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Giấc mơ thành phố bảo tàng ở Huế

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/06/2023 07:00 GMT+7

Ở Huế, có thể đến với rất nhiều bảo tàng: công lập có, tư nhân có; chủ đề danh nhân có, mỹ thuật có, làng nghề có, cổ vật trong nước, ngoài nước cũng có…

Kho hiện vật khổng lồ dưới sông Hương

Tấm vách ngăn thuyền khảm trai quý giá và có cửa sổ được đặt ngay cửa gian trưng bày của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tại 120 Nguyễn Phúc Nguyên (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). "Đây là tấm vách ngăn thuyền cổ trên sông Hương. Nó ngăn đôi chiếc thuyền; một phần của nhà bếp, một phần của khách trên thuyền. Cửa sổ nhỏ này mở ra để chuyển thức ăn", GS-TS Thái Kim Lan, chủ nhân bảo tàng, cho hay. Đời sống trên sông Hương như được mở ra, mở ra mãi ở bảo tàng của bà với con thuyền, với các hiện vật từ sông Hương nhiều thời kỳ, của văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt…

TS Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết bảo tàng của GS-TS Lan có khoảng hơn 7.000 hiện vật được vớt lên từ sông Hương. Khoảng 30 năm trở lại đây, tại nhiều con sông trên cả nước như sông Hồng, sông Đồng Nai đều tìm thấy cổ vật, nhưng chỉ Huế mới có bảo tàng chuyên trưng bày cổ vật vớt từ sông lớn đến vậy.

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Giấc mơ thành phố bảo tàng ở Huế - Ảnh 1.

GS-TS Thái Kim Lan với trưng bày gốm cổ sông Hương đúng tinh thần Huế

Trinh Nguyễn

Vị trí của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cũng mang đậm giá trị. "Đó là bảo tàng duy nhất tại VN nằm ở một không gian rất thật là ngay bên sông, nơi hiện vật được tìm thấy. Cộng với các sưu tập gốm sông Hương khác, có thể thấy trữ lượng khổng lồ hiện vật dưới sông Hương. Bảo tàng cho thấy có thể tạm gọi sông Hương là di chỉ khảo cổ học dưới nước lớn nhất ở VN hiện biết", TS Thư nói.

GS-TS Thái Kim Lan cho làm nhãn hiện vật bằng tre dù nhiều người e ngại "làm tre mau mục". Những đồ gốm hư hỏng, bà Lan yêu cầu ghép thành bàn trưng bày mosaic (hình thức nghệ thuật trang trí tạo ra hình ảnh từ tập hợp gồm những mảnh nhỏ - PV). Ngôi nhà rường 200 năm tuổi với bàn ghế, sập khảm trai, vườn cây… được sắp xếp đúng theo cách người Huế sử dụng chúng từ hàng trăm năm trước. "Phong cách thiết kế ở đây mộc, đơn giản, hoàn toàn theo cách Huế. Thành phố quý cái này lắm nên khách quý đến Huế hay tới đây, họ coi đây là cái Huế nhất của Huế", GS-TS Thái Kim Lan nói.

GS-TS Thái Kim Lan cho biết tại đây có tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa như các hội thảo kiến trúc, ẩm thực, áo dài, trưng bày tranh tượng, các nghi thức dân gian như thượng nêu, hạ nêu dịp tết, lễ Phật đản… Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ nhân lực và khoản kinh phí nhỏ về truyền thông, về tổ chức sự kiện.

Di sản mới ở bảo tàng tiên phong

Sát với TP.Huế là H.Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), tại đó có không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng với kiến trúc được thiết kế để làm bảo tàng; hiện vật độc đáo có câu chuyện riêng, thiết kế đa phương tiện, tương tác với công chúng tốt. Điều không gian này còn thiếu chỉ là một giấy phép bảo tàng. "Chúng tôi cũng xin phép 2 năm nhưng nhiều thủ tục, nhất là khó khăn về giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy. Nhưng dù thế nào, quan trọng nhất vẫn phải có câu chuyện tốt, hiện vật tốt", bà Lê Cẩm Tế, một trong những sáng lập viên của bảo tàng, nói. Bà Tế được đánh giá là một chủ bảo tàng có thực lực và tâm huyết.

TS Trần Đình Hằng, Giám đốc một phân viện thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Vicas) tại Huế, đánh giá về bản chất, không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng là một bảo tàng tư nhân. "Không gian này về bản chất đã là bảo tàng tư nhân rồi nhưng chưa có đủ giấy tờ. Bảo tàng ngoài công lập là một khái niệm hành chính giống như di tích vậy. Bản thân nó là một di sản nhưng khi được công nhận bằng một văn bản hành chính thì cấp độ khoanh vùng bảo vệ di sản, tính chính danh của di sản cao hơn, được quan tâm hơn. Điều quản lý nhà nước cần là mở hành lang pháp lý, hỗ trợ các nhà sưu tập làm bảo tàng", TS Trần Đình Hằng nói.

Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng đang là điểm đến sáng giá tại Huế. "Có người nói không hiểu sao ở Hà Nội đã đi Bảo tàng Mỹ thuật VN rồi, tới Huế lại xếp thêm bảo tàng này vào tour, nhưng xem xong họ thấy thích quá. Có nữ du khách người Pháp quá xúc động khi xem triển lãm tại đây, đã mua sách về ông Lê Bá Đảng, mang sang đặt lên mộ con ông tại nghĩa trang Montparnasse (Paris, Pháp). Ngôi mộ rất dễ nhận diện vì trên đó có tác phẩm điêu khắc Lê Bá Đảng", ông Nguyễn Anh Thư, quản lý không gian Lê Bá Đảng, cho biết.

GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, đánh giá không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng giúp tài sản của văn hóa cố đô phong phú hơn nhiều. "Huế vẫn được biết là cố đô, là di sản, di tích… Không gian Lê Bá Đảng đặt trong một kiến trúc hiện đại, cộng hưởng với thiên nhiên Huế và tinh thần Lê Bá Đảng. Nó cho thấy một Lê Bá Đảng kết hợp văn hóa Đông - Tây nhuần nhuyễn, hàn lâm, uyên bác, tiên phong với cả thế giới và VN. Nó như một bổ sung ở ngoại ô Huế, để Huế không chỉ là quá khứ mà còn là phát triển tiếp nối", GS-KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Cảnh hoang tàn, lạnh lẽo trong căn nhà mẹ vua Bảo Đại sống những ngày cuối đời

Hợp tác công - tư kết mạng lưới

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh đã có 5 bảo tàng công: Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Văn hóa Huế (mới giải thể). Tuy nhiên, tỉnh vẫn xác định cần huy động tối đa nguồn lực khai thác trầm tích văn hóa phong phú của Huế. Do đó, UBND tỉnh đã có Nghị quyết 08 năm 2018 và Nghị quyết 17 năm 2020 để quy định chính sách hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn.

TS Hải cho biết: "Nhờ những chính sách ấy, đến nay Huế có 5 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu, Bảo tàng Tranh thêu XQ, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương và Bảo tàng Mỹ thuật Cécile Le Pham. Ngoài ra, không gian lưu niệm Lê Bá Đảng được công nhận là điểm du lịch của Huế. Bảo tàng Ẩm thực Huế cũng có thể sớm thành lập".

Chủ nhân Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, một chuyên gia cổ vật Huế. Bảo tàng của cô Cécile Lê Phạm được chuyên gia bảo tàng đánh giá là kể được câu chuyện mỹ thuật Phật giáo của 38 quốc gia, câu chuyện ứng xử với di sản của một người yêu Huế.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đánh giá rất cao mạng lưới bảo tàng công - tư tại Huế với khoảng cách gần gũi, dễ di chuyển, cũng như sự quan tâm của chính quyền với hoạt động bảo tàng. "Khi tôi cùng các nghệ sĩ tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, lãnh đạo đứng đầu tỉnh cũng có mặt từ đầu đến cuối, họ thực sự quan tâm đến văn hóa và bảo tàng", ông Đạt nói.

TS Hải cũng cho rằng Huế có tiềm năng để trở thành thành phố bảo tàng với hệ thống công lập kết hợp bảo tàng tư nhân với nhiều hình thức như bảo tàng chuyên đề, bảo tàng nghề, bảo tàng lưu niệm, bảo tàng tổng hợp, bảo tàng ngành hoặc liên ngành… "Sở cũng đang cùng các đơn vị liên quan cụ thể hóa các ưu đãi để bảo tàng phát triển mạnh hơn", TS Hải cho biết. (còn tiếp) 

Thành phố bảo tàng trên tinh thần học tập suốt đời của UNESCO

Có thể thấy xu hướng phát triển đa dạng của bảo tàng tư nhân tại VN bên cạnh các bảo tàng nhà nước. Huế với những bảo tàng công, tư có chất lượng như Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Lê Bá Đảng… là một mô hình thành phố bảo tàng có giá trị. Điều này thúc đẩy du lịch, không gian sáng tạo và lớn hơn tạo thành những trung tâm giáo dục để công dân mọi lứa tuổi có thể tiếp cận trên tinh thần học tập suốt đời của UNESCO.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.