Không có chính sách thì 10-15 năm nữa không còn bác sĩ làm ở trạm y tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/05/2023 10:23 GMT+7

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng chế độ đối với nhân viên y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở rất khiêm tốn, không tương xứng và nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc.

Sáng 29.5, tại kỳ họp 5 Quốc hội XV, sau khi nghe báo cáo của đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội thảo luận về sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, y tế dự phòng, y tế cơ sở.

'Tiền trực ở trạm y tế mỗi đêm 25.000, tiền ăn 15.000, rất khiêm tốn' - Ảnh 1.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi

GIA HÂN

Bao phủ rộng, song chưa đáp ứng nhu cầu

Nêu ý kiến về y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, nói mạng lưới y tế cơ sở hiện nay dù được bao phủ rộng khắp, song chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bà Nhi dẫn chứng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở cho thấy sự quá tải. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ. Người dân chuyển sang khám chữa bệnh tại khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, chính sách tinh giản biên chế khiến nhân lực cho y tế cơ sở không đảm bảo. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường rất ít chịu về công tác tại y tế cơ sở, điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ cũng rất khó khăn.

"Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc", đại biểu tỉnh Bến Tre nêu.

Bà Nhi cho hay, hiện nay, chính sách tiền lương, phụ cấp chế độ đãi ngộ, đối với cán bộ y tế nói chung chưa tương xứng với thời gian, công sức học tập, lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc. Ngoài ra, trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt, không thuận lợi để đội ngũ nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi: 10-15 năm nữa trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc nếu không sớm có chính sách phù hợp

Một sinh viên ngành y hiện nay học mất đến 6 năm, chi phí học tập cũng khá cao, có thể lên tới gần 200 triệu/năm, nhưng khi ra trường đi làm thì nhận mức lương 5 triệu/tháng

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi

Ở các trạm y tế cơ sở, bà Nhi cho hay, biên chế trực mỗi đêm chỉ có một người, nhưng thường trường hợp vào cấp cứu ban đêm là đánh nhau, tai nạn giao thông... rất phức tạp.

"Nên các nhân viên y tế, nhất là nữ giới, không dám trực một mình. Đi trực phải có mẹ, chị, em, hoặc là chồng con phải đi theo hoặc là nhờ đồng nghiệp cùng trực rồi chia tiền trực. Trong khi đó, tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000, tiền ăn chỉ 15.000 đồng", bà Nhi phản ánh, và cho rằng, mỗi đêm trực với mức chi trả như vậy là rất khiêm tốn so với công sức đội ngũ này bỏ ra.

Theo bà Nhi, chế độ chính sách như hiện nay rất khó thu hút, giữ chân người làm y tế cơ sở. Cùng đó, việc đào tạo cho đội ngũ nhân lực cơ sở rất khó khăn.

Nếu muốn học tập nâng cao trình độ phải tham gia thi tuyển sinh đại học cạnh tranh cùng học sinh THPT, điểm tuyển đầu vào cao, không phù hợp với khả năng và tài chính của nhân viên y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn, cũ kỹ...

"Tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành chế độ chính sách thu hút, giữ chân nhân viên y tế cơ sở cũng như tạo điều kiện để họ được đào tạo, nâng cao trình độ; nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị...", bà Nhi nêu kiến nghị.

'Tiền trực ở trạm y tế mỗi đêm 25.000, tiền ăn 15.000, rất khiêm tốn' - Ảnh 3.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế

GIA HÂN

Bất cập về cơ chế

Trong báo cáo của đoàn giám sát cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế.

Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.

Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10 - 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn. Trạm y tế xã không là đơn vị hạch toán độc lập mà hạch toán phụ thuộc y tế tuyến huyện trong khi lại chưa có quy định cụ thể về chi tiêu tại y tế xã.

Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ T.Ư đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu khoảng 23.800 người. Trong đó, bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: "Một đêm trực thù lao không đáng là bao, khám 1 bệnh nhân được 27.000 đồng"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.