Khởi nghiệp từ nghề đậu dầm truyền thống

03/10/2023 07:00 GMT+7

Đang làm kỹ sư cho một tập đoàn Nhật Bản, anh Trần Văn Khoa (28 tuổi, ở Phú Yên) xin nghỉ việc, về quê theo nghề làm đậu dầm của gia đình. Cơ sở sản xuất của anh Khoa ở thôn Mỹ Thạnh Đông 1, xã Hòa Phong, H.Tây Hòa (Phú Yên).

Để tiết kiệm nhân công, thời gian và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, anh Khoa áp dụng công nghệ kỹ thuật của Nhật Bản vào các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, việc tìm người biết vận hành máy móc ở H.Tây Hòa gặp khó khăn. Đa số thanh niên chọn vào thành phố lớn làm việc, người dân địa phương thì quen với cách sản xuất truyền thống. Vì vậy, anh Khoa phải dành nhiều thời gian để hướng dẫn, đào tạo nhân công.

Hiện các công đoạn để cho ra một sản phẩm đậu dầm hoàn chỉnh như: nấu hơi, ly tâm, làm đông, ép đậu phụ, ủ, đóng gói, bảo quản… đều được anh Khoa thực hiện bằng máy móc.

Khởi nghiệp từ nghề đậu dầm truyền thống - Ảnh 1.

Anh Khoa giới thiệu về sản phẩm đậu dầm

NGÂN TRẦN

Theo anh Trần Văn Khoa, việc tìm chỗ đứng cho sản phẩm đồ chay truyền thống trên thị trường cũng vô cùng khó khăn khi người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm sạch, thuần tự nhiên. Đậu dầm là sản phẩm thuần tự nhiên phù hợp với xu hướng người tiêu dùng ngày nay nhưng để khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm mới phải cần thời gian.

Công ty của anh Khoa thành lập có 3 loại sản phẩm, gồm: đậu phụ truyền thống, đậu phụ chiên và đậu dầm. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Khoa luôn chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường, đồng thời kết nối với các kênh tiêu thụ...

Anh Khoa cho biết đậu nành dùng để sản xuất đậu dầm nhập chủ yếu từ Đắk Lắk và Campuchia, trung bình mỗi tháng phải nhập từ 3 - 4 tấn đậu. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Hiện anh Khoa đang có kế hoạch xây dựng nguồn nguyên liệu tại địa phương để đảm bảo bền vững cho sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người dân. Không những thế, anh Khoa cũng tìm cách đưa sản phẩm truyền thống của mình ra thị trường quốc tế.

Đầu năm 2022, sản phẩm đậu dầm của anh Khoa được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, sản phẩm của anh Khoa được bán tại các cửa hàng, siêu thị ở địa phương, bán qua kênh mạng xã hội và các trang thương mại điện tử… sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng anh Khoa thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Bí thư Huyện đoàn Tây Hòa, cho biết: "Chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương rất khuyến khích những gương thanh niên lập nghiệp như anh Khoa. Người trẻ có ý chí, góp phần xây dựng quê hương, đưa sản phẩm truyền thống của địa phương ra thị trường lớn như anh Khoa là mô hình để các thanh niên khác học hỏi".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.