Làm miến thủ công, phập phồng lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm

16/01/2023 09:46 GMT+7

Các xã tại H.Hoài Đức (Hà Nội) được xem là “thủ phủ” miến phía bắc. Tuy nhiên, quy trình sản xuất gần như thủ công tại đây, đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Làm cẩn thận thì lời lãi chẳng đáng là bao”

Thời điểm cận tết Nguyên đán 2023, các hộ sản xuất miến tại các xã Dương Liễu, Minh Khai (đều thuộc H.Hoài Đức) - nơi có làng nghề làm miến lâu đời nhộn nhịp vào vụ.

Miến thành phẩm được phơi ngay tại bãi đất trống cạnh rãnh nước đặc quánh, bốc mùi

Quỳnh Vân

Ngay từ đầu làng, chúng tôi bị “tra tấn” bởi đủ thứ mùi. Mùi hôi của rác thải lâu ngày; mùi chua của bã sắn, bã đót (bã củ dong) bốc lên nồng nặc; mùi hương liệu của các cơ sở chế biến bánh kẹo trên con đường bê tông nhầy nhụa bùn đất, vương vãi bột trắng.

Dọc các tuyến đường, những xe chở tinh bột sau sơ chế chạy nườm nượp. Củ dong thu hoạch ồ ạt, được chất thành đống to ngay từ đầu làng đến các sân bãi ở mỗi nhà dân. Nguyên liệu để ở bất cứ đâu: dưới đất, trước cửa lối ra vào…; dụng cụ chế biến ngổn ngang, xưởng chế biến là những lán tôn tạm bợ. Tại các cơ sở sản xuất miến, củ nguyên liệu sẽ được rửa trong guồng xoay, tuy nhiên công đoạn rửa khá sơ sài. Quan sát bằng mắt dễ nhận thấy, nguyên liệu còn bám một lượng đáng kể vỏ bẩn và đất.

Chạy dọc theo con đê ngoằn ngoèo qua 3 xã Cát Quế (H.Hoài Đức), Dương Liễu, Minh Khai, trong vai những người mua hàng, chúng tôi ghé vào một cơ sở làm miến. Tại đây, miến thành phẩm được bày la liệt dưới sàn nhà; các công nhân không có đồ bảo hộ lao động, không găng tay vệ sinh. Các bể trộn, lọc bột xây bằng xi măng loang lổ vết rêu mốc, cáu bẩn. Cạnh đó là những cục bột đã ép, được cắt vuông vắn, bốc mùi thiu, thậm chí bắt đầu ngả vàng được xếp trên nền đất.

Trong làng, chỗ nào cũng được tận dụng làm sân phơi miến. Từ sân, ngõ, đến dây phơi quần áo, hàng rào, thậm chí miệng cống, xung quanh hố chôn ủ tinh bột dự trữ tại ruộng,… cũng trở thành nơi gác phên phơi miến. Cống rãnh chạy dọc đường làng bốc mùi hôi thối, mủn bột đọng lại thành mảng, sủi bọt trắng đặc quánh và đầy ruồi nhặng.

Bà L., chủ cửa hàng nước ven đường Chiến Thắng (xã Dương Liễu), cho biết: “Biết là mất vệ sinh nhưng nếu làm cẩn thận thì lời lãi chẳng đáng là bao, có vài chục nghìn đồng một cân miến mà làm thì tốn công. Ở làng nghề miến nhưng nếu gia đình ăn thì phải dùng hàng đặt, chứ cũng không ăn hàng đại trà”.

"Bột màu mà ung thư thì làng tôi ung thư hết à!"

Để tìm hiểu quy trình làm ra những sợi miến với đủ màu sắc bắt mắt, trong vai những người muốn nhập miến buôn khối lượng lớn, chúng tôi được giới thiệu đến nhà anh Đ.D.H (xã Minh Khai) kèm lời hứa hẹn “màu nào cũng có thể làm được, chỉ cần có mẫu sẵn”.

Tại đây, chị P.T.D (vợ anh H.) cho biết, xưởng nhà chị chỉ làm miến mộc, bột mua tại xưởng chế biến bột miến trong xã. Về các loại miến và giá thành sản phẩm, chị D. thông tin có 3 loại: miến mộc, miến màu vàng chanh và miến trắng, đều có giá 40.000 đồng/kg. Tuỳ theo nhu cầu của khách về độ dài của miến, để trần (hàng trần) hoặc đóng gói mà nhà xưởng sẽ đáp ứng.

“Màu đặt theo khách ăn, theo từng vùng. Thường thường, bọn chị vẫn phải cho thêm màu. Màu trắng tinh thì tẩy bột trong liều lượng cho phép, tẩy nồng quá khi ăn miến sẽ có mùi thuốc”, chị D. không ngần ngại chia sẻ.

Về sự chênh lệch giá buôn miến, chị D. cho biết, tại các cơ sở có giấy tờ đầy đủ, đăng ký thương hiệu, giá bán có thể lên tới 60.000 đồng/kg miến đót (miến dong), trong khi công thức đánh bột, cách chế biến và phơi miến như nhau.

Vài ngày sau, phóng viên Thanh Niên tiếp tục quay trở lại nhà chị D., đặt vấn đề lo ngại về các chất cấm, gây ung thư có thể được sử dụng khi làm miến, đặc biệt là bột màu. Lúc này, chị D. một lần nữa khẳng định, nhà chị sử dụng, tạo màu theo nhu cầu của khách hàng. “Nếu gây ra ung thư thì dân làng tôi ung thư hết à. Người sản xuất phải là người bị ảnh hưởng sức khỏe đầu tiên nếu dùng hóa chất chứ”, chị D. phân bua.

Khi phóng viên tiếp tục nài nỉ được xem mẫu mã loại bột màu được cho vào miến để tìm hiểu về hàm lượng, thành phần cấu tạo, chị D. từ chối, xin phép không cung cấp vì cho rằng sẽ “ảnh hưởng rất nhiều đến làng nghề”.

Tìm đến một xưởng sản xuất miến trên địa bàn xã Dương Liễu, khi phóng viên ngỏ lời muốn mua buôn số lượng lớn loại miến có màu vàng chanh, nữ công nhân tại đây xua tay cho biết: muốn có miến loại này phải đặt hàng từ sớm. Thời điểm hiện tại chỉ cách tết Nguyên Đán 2023 khoảng 1 tuần, xưởng không sản xuất kịp. “Anh nên nhập miến mộc ý. Miến vàng chanh không thật màu, được cho thêm bột nghệ. Ăn miến mộc là thật chất nhất”, nữ công nhân này khuyên nhủ.

Được biết, quy trình sản xuất miến tại các xã Dương Liễu, Minh Khai gần như thủ công. Vào vụ sản xuất, hàng trăm tấn củ dong từ mọi nơi tập trung ở khắp làng. Ước tính, cứ 1 tấn củ dong sẽ thải ra môi trường khoảng 700 kg bã, nước thải. Cách sản xuất thủ công như trên diễn ra nhiều năm, đặt ra không ít lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để giảm thiểu nguy cơ, bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kịp thời xử lý vi phạm, thiết nghĩ cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm cho người dân; đồng thời khuyến khích áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.