Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Trần Quang Trứ là ai?

21/03/2023 07:40 GMT+7

Một số tài liệu trước đây cho rằng Trần Quang Trứ là một người yêu nước, tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân và sau đó phản bội… điều này được đề cập sớm nhất trong cuốn Nhà cách mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên dịch - Trung Thiên đạo và bài Những biến động ở Trung kỳ và cuộc bôn đào của vua Duy Tân. Vậy Trứ là ai?

Theo hồ sơ mật thám Pháp, Trần Quang Trứ là một thông phán làm việc tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ: "Trứ là thông ngôn được đăng ký làm lính mộ ở Tiểu đoàn số 16, là một người rất thông minh và hết lòng trung thành". Vì vậy, thực dân Pháp đã cài Trứ vào lực lượng khởi nghĩa mà Thái Phiên, Trần Cao Vân không phát hiện được.

Gần đến ngày khởi nghĩa, Thái Phiên giao trách nhiệm cho Lê Châu Hàn tìm cách lôi kéo lực lượng binh lính tại Huế, ông Hàn đã "nhờ một người tên là Sáu Cụt, số lính đăng ký là 16". Khi được Lê Châu Hàn vận động, Sáu Cụt "vui vẻ nhận lời và hứa sẽ vận động khoảng 300 binh lính cùng tham gia".

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Trần Quang Trứ là ai ? - Ảnh 1.

Di tích lịch sử đồn Mang Cá tại Huế - một trọng điểm tấn công của cuộc khởi nghĩa

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Sáu Cụt đã giới thiệu Trần Quang Trứ: "Anh ta (tức Sáu Cụt) còn nói thêm rằng, có người anh tên Trứ, làm phiên dịch ở Ban tham mưu của cơ quan chỉ huy và rất có ảnh hưởng đối với các lính chiến mới" (Bản khai của Lê Châu Hàn). Trong một báo cáo, Lesterlin cho biết điều này: "Trong những ngày cuối, họ bí mật tuyển người, lôi kéo các người chỉ huy trong đội lính khố xanh thuộc các tiểu đoàn lính mộ mới được thành lập".

Trần Quang Trứ tìm mọi cách để gặp những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc khởi nghĩa. Tối ngày 29.4.1916, Trứ và Sáu Cụt đến gặp Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Châu Hàn trên một chiếc thuyền đậu ở chỗ nha Thương Bạc.

Theo lời Trứ báo với quan thầy thì: "Để có thể moi hết các bí mật của những thủ lĩnh này, tôi cũng phải tinh ranh và nói với họ, sở dĩ tôi đăng ký đi lính vì có ác cảm với sếp của tôi là Công sứ Thừa Thiên". Tại lần gặp này, Lê Châu Hàn cho biết: "Chúng tôi cho họ biết dự định của chúng tôi và yêu cầu họ chấp nhận việc tuyển mộ lính chiến để hỗ trợ công việc" và Trứ nói "Để tạo niềm tin cho họ, chúng tôi thề là sẽ trung thành và mong mọi điều thuận lợi đối với công việc mà các ông đã chuẩn bị". Kể từ đó, Thái Phiên đã phân công cho "Lê Châu Hàn, Trứ, Sáu Cụt chịu trách nhiệm vận động, khuyến dụ số lính mới tuyển dụng vào lực lượng lính chiến tấn công vào đồn Mang Cá và vào các đồn binh bảo vệ tòa Khâm sứ và tòa Công sứ Thừa Thiên, nhằm chiếm đoạt súng ống và đạn dược" (bản khai lần 3 của Thái Phiên).

Lý giải việc để Trứ tiếp cận vua Duy Tân, Thái Phiên thuật rằng: "Có một người thông ngôn tên là Trứ muốn được diện kiến Hoàng thượng. Tôi từ chối không tiếp, nhưng Ký Hàn (tức Lê Châu Hàn) nói rằng người thông ngôn đó đã hứa giúp đỡ cho Huỳnh Anh (tức Thái Phiên). Tôi trình xin chỉ lệnh và được Hoàng thượng đồng ý tiếp. Thông Trứ nói tiếng Pháp với Nhà vua".

Khi vua Duy Tân bảo y tuyên thệ thì Trứ thấy "Tôi ớn lạnh cả người, từ từ giơ tay lên và thề: "Tôi đem hết sức mình tận tụy phục vụ Nhà vua, để ngài làm tròn bổn phận của một đấng quân vương, là làm cho dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của Pháp!". Nhà vua vô cùng bằng lòng về lời thề của tôi" (báo cáo của Trần Quang Trứ). Ngay sau khi bị bắt, Thái Phiên biết mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng Sáu Cụt và Trứ, những tên tay sai do bọn Pháp cài vào: "Lúc bấy giờ tôi quá nhiều việc nên tôi chỉ còn biết tin vào sự hợp tác của người thông ngôn tên Trứ và người anh em của ông ta (tức Sáu Cụt) là sự hợp tác chân thành!".

Sau khi diện kiến vua Duy Tân, Trứ hối hả chạy đến nhà của Carlotti - Công sứ Thừa Thiên để báo tin và xin lính để quay lại bắt vua, đồng thời khẩn báo: "Phiên cho biết tín hiệu cho cuộc nổi dậy đêm nay sẽ được phát ra vào lúc 1 giờ 30 cho đến 2 giờ sáng ở Huế cũng như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi".

Một số tài liệu trước đây cho rằng sau khi gặp vua Duy Tân, Trần Quang Trứ chạy đến báo cáo với Tòa Khâm là không đúng. Bức điện của Công sứ Huế Carlotti cho biết: "Ông Võ Liêm yêu cầu tôi báo cáo lên Ngài: Theo những tin tức cuối cùng mà ông ta vừa nhận được, việc tấn công vào Tòa Khâm sứ sẽ bắt đầu vào lúc 1 giờ sáng. Vừa mới đây, Trứ - viên thư ký cũ của tôi đến báo với tôi rằng chính mắt anh ta đã thấy Nhà vua trong một chiếc đò cùng với 5 hoặc 6 người đàn ông. Vua bảo y tham gia vào nhóm của quân nổi dậy. Tôi đã cấp cho Trứ 10 tên lính và 1 viên cai để đi tìm bắt những người trên chiếc đò ở kênh Phủ Cam".

Chi tiết Trứ chạy đi báo quan thầy, được một tài liệu trước đây thuật rằng: Khi đưa vua ra đến bến Thương Bạc thì thấy Trần Quang Trứ hớt hải cho chèo thuyền qua Tòa Khâm, Thái Phiên giật mình hỏi Trần Cao Vân: "Trứ được giao nhiệm vụ phối hợp hành động ở Trấn Bình Đài, tại sao hắn lại qua Tòa Khâm giờ này làm gì?", đây là chi tiết không có thật. Ngay sau khi bị bắt, được vua Duy Tân gặp lại Trứ, y hỏi: "Bệ hạ có nhận ra bề tôi của Ngài không?". Nhà vua trả lời cũng bằng tiếng Pháp: Có chứ! Ta nhận ra ngươi. Bây giờ thì ta hiểu rõ tâm địa và lời nói của ngươi! (Báo cáo của Sogny, ngày 6.5.1916).

Tất cả các tài liệu của Pháp đều cho thấy Trần Quang Trứ, Sáu Cụt chỉ là tay sai của chúng, không hề là "những người yêu nước" và "phản bội" của cuộc khởi nghĩa này.

(còn tiếp)

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.