Khẩn trương phòng chống bão số 9

24/11/2018 06:33 GMT+7

Trước thông tin dự báo về cơn bão số 9 , hôm qua, nhiều địa phương cấp tập triển khai công tác phòng chống bão.

Tâm bão hướng từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu
TP.HCM dự kiến sơ tán nửa triệu người
Di dời dân ở ven biển, sát núi
Ngày 23.11, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký công điện khẩn, gửi các địa phương, các sở ban ngành về công tác ứng phó với bão số 9.
Theo đó, kêu gọi tàu, thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú an toàn; thông báo cho tàu du lịch và các phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 12 giờ trưa 23.11. Đối với các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16 giờ ngày 23.11 cho đến khi hết bão.
Việc sơ tán, di dời dân đối với các hộ tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn... phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 23.11. Từ chiều 23 đến hết 25.11, học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa nghỉ học.
[VIDEO] Ninh Thuận căng mình phòng chống cơn bão số 9
Các tàu du lịch ở Nha Trang được đưa về khu vực gần chân cầu Bình Tân tránh bão Ảnh: Nguyễn Chung
TP.Nha Trang thiệt hại rất lớn do ảnh hưởng của bão số 8 vừa qua với 20 người chết. Đa số nạn nhân trong trận mưa lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Theo thống kê, toàn TP hiện có 79 khu vực có nguy cơ sạt lở.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết đến 17 giờ chiều 23.11, TP đã di dời hơn 1.300 hộ với hơn 5.400 người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nhà văn hóa các thôn, trường học, đồn biên phòng... để đảm bảo an toàn.
[VIDEO] TP.HCM cảnh giác cao độ trước bão số 9
Xe cẩu đưa thúng của ngư dân Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) lên bờ
Trong ngày 23.11, rất đông người dân Nha Trang đổ ra bãi biển xúc cát để gia cố, chằng chống nhà cửa. Anh Nguyễn Hữu Trung, nhà ở đường Tháp Bà (P.Vĩnh Thọ) nói: “Năm ngoái bão vào, nhà tôi bay mái tôn, nước tràn hết vào nhà, nhiều tài sản và vật dụng bị hư hỏng. Năm nay nghe đến bão là sợ rồi. Cứ chuẩn bị cho an toàn, không chủ quan được”.
Ngày 23.11, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ký công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương trong tỉnh không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển kể từ 10 giờ cùng ngày; khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu; sơ tán dân đến nơi an toàn... Tất cả công việc phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 24.11.
Dự báo đường đi của bão số 9 Nguồn: TT Dự Báo Khí tượng thủy văn quốc gia
[VIDEO] Cẩu hàng trăm thuyền thúng ở làng Phước Hải để chống bão số 9
Chiều 23.11, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9.
Theo đó, có 158.534 người/42.423 hộ dự kiến phải sơ tán, di dời khi bão đổ bộ vào tỉnh này. Ông Trình yêu cầu tập trung di dời dân ở những nơi xung yếu, ven biển, sát núi; kiên quyết di dời, cưỡng chế các hộ dân canh giữ đăng đáy vào bờ, không để ở ngoài biển; ngành du lịch không đón khách đoàn đến địa phương nhiều; các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 24.11; việc họp chợ phải kết thúc trước 12 giờ cùng ngày; các nhà hàng nổi không được kinh doanh...
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sáng cùng ngày tại làng thúng Phước Hải, UBND TT.Phước Hải (H.Đất Đỏ) đã vận động ngư dân đưa thúng lên bờ để tránh bão số 9. UBND thị trấn đã thuê xe cẩu để đưa tất cả các thúng của ngư dân lên bờ và sẽ cẩu xuống biển khi qua cơn bão.
Kiểm tra phòng chống bão ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân
Chiều 23.11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) đến kiểm tra việc phòng chống bão số 9 tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong). Ông Hai yêu cầu các nhà máy phải cảnh giác, có từng phương án cụ thể để bảo vệ tài sản của nhà nước vì Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trị giá hàng tỉ USD.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN Bình Thuận, đến chiều qua các hồ chứa trên địa bàn có mực nước đều rất thấp. Toàn tỉnh chỉ còn 83 tàu thuyền ngoài khơi, trong đó 79 tàu đang vào bờ trú ẩn. Ông Hai đã phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, cấm người dân không được ở trên các lồng bè cá ngoài biển. Ngày 24.11, học sinh các cấp được nghỉ học (riêng học sinh Phú Quý nghỉ từ chiều 23.11). Lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn phương tiện cứu hộ, trực quân số 100% để chống bão số 9...
[VIDEO] Ninh Thuận mua cát giúp dân chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 9
Tàu thuyền tránh trú bão tại khu vực cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) Ảnh: Nguyễn Chung
TP.HCM dự kiến sơ tán nửa triệu người
Trước diễn biến bão số 9, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.HCM có công điện khẩn triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, UBND H.Cần Giờ, Chi cục Thủy sản... bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 13 giờ ngày 23.11 cho đến khi có lệnh mới.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết huyện đã có phương án cụ thể sơ tán khoảng hơn 4.000 người dân ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở cao đến nơi trú ẩn an toàn. Riêng xã đảo Thạnh An có hơn 500 người thuộc diện sơ tán tại chỗ vào các công trình an toàn để tránh trú khi có bão ập đến.
Xe cẩu đưa thúng của ngư dân ven biển Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu) lên bờ tránh bão số 9 Ảnh: Nguyễn Long
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, TP đã có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP. Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TP với sức gió giật từ cấp 8 - 9 trở lên, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng sẵn sàng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có nguy cơ đổ sập và những khu vực xung yếu. Dự kiến di dời, sơ tán khoảng hơn 100.000 hộ với khoảng hơn 500.000 người.
Trong tình huống phát lệnh sơ tán, thời gian thực hiện hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp. Lực lượng dự kiến huy động từ các sở ngành, đơn vị cấp TP đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó đảm bảo khoảng 29.000 - 30.000 người.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã yêu cầu trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp, đề nghị UBND các quận, huyện trao đổi với Sở để có thông báo cho học sinh nghỉ học.
Tàu cá bị sóng lớn đánh chìm
Sáng 23.11, người dân phát hiện tàu cá mang số hiệu ĐNa 47092 TS do ngư dân Trần Thanh Hà (62 tuổi, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) làm chủ bị chìm tại vùng biển dọc đường Hoàng Sa (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Theo chủ tàu cá, chiều 22.11, tàu được neo tại bến Thọ Quang (Q.Sơn Trà) để tránh bão số 9. Sóng lớn đã đánh đứt dây neo tàu, khiến tàu bị trôi dạt và mất tích. Ông Hà cùng nhiều ngư dân khác đã đến hiện trường, tổ chức trục vớt tàu cá. Nhiều thiết bị điện tử, máy móc, ngư cụ trên tàu bị hư hỏng do nước tràn vào, ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Huy Đạt
Tâm bão hướng vào Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 22 giờ ngày 23.11, tâm bão số 9 ở vào khoảng 10,6 độ vĩ bắc và 110,3 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, tức là từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Lúc 22 giờ đêm nay (24.11), tâm bão ở vào khoảng 10,5 độ vĩ bắc và 108,0 độ kinh đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ). Theo đó, vùng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 có bán kính khoảng 130 km tính từ tâm bão.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía tây hoàn lưu bão số 9, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, sau tăng lên cấp 8. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - cấp 10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4 - 6 m, vùng gần bờ cao 3 - 5 m. Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, nam Tây nguyên và Đông Nam bộ mưa rất to từ ngày 23 - 26.11, tổng lượng mưa cả đợt từ 300 - 500 mm; bắc Tây nguyên và tây Nam bộ có mưa to, tổng lượng mưa cả đợt dự báo ở vào khoảng 100 - 200 mm.
Từ ngày 24 - 27.11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên xuất hiện một đợt lũ. Dự báo đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Tây nguyên khả năng ở mức báo động (BĐ) 1 - BĐ2 và trên BĐ2. Các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3 khiến khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng thấp ở đô thị có nguy cơ ngập lụt.
Bão sẽ quét qua TP.HCM với gió mạnh cấp 8 - 9
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết: Những dự báo mới nhất của Mỹ, Nhật đều cho rằng tâm bão số 9 sẽ quét ngang TP.HCM. Các dự báo trước đây cho rằng bão sẽ vào khu vực nam Trung bộ; tuy nhiên do đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đang về và gió mùa đông bắc nén tâm bão xuống phía nam nhiều hơn so với những dự báo ban đầu. Bão có khả năng sẽ đi ngang đảo Phú Quý rồi vào Cần Giờ. Các tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ nằm ở phía bắc của tâm bão. “Thông thường khi áp sát bờ, bão sẽ suy yếu, tuy nhiên với cơn bão số 9 này vòng xoáy tâm bão còn rất mạnh nên ít có khả năng bão sẽ tan khi cập bờ mà vẫn duy trì sức gió mạnh cấp 8 - 9. Đây là sức gió rất nguy hiểm”, bà Lan cảnh báo.
Sau khi vào TP.HCM, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Phạm vi ảnh hưởng của bão có bán kính gần 200 km; chính vì vậy ngoài các địa phương trên, vùng bị ảnh hưởng rất rộng lớn bao gồm cả khu vực Đông Nam bộ, nam Tây nguyên và các tỉnh ĐBSCL như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre... Đáng chú ý, tại TP.HCM bão vào lại trùng với đợt triều cường rằm tháng 10 (âm lịch) đạt đỉnh. Chính vì vậy khả năng bị ảnh hưởng và nguy hiểm càng gia tăng. Dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Triều cường sẽ đạt đỉnh vào ngày 24 - 25.11, vượt BĐ 3. “Cần đề phòng thủy triều cao kết hợp với mưa lớn do ảnh hưởng của bão gây ngập lụt sâu và trên diện rộng ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai”, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo.
P.Hậu - Chí Nhân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.