Kích cầu chi tiêu khu vực kinh tế hộ gia đình

Mai Phương
Mai Phương
05/04/2023 06:34 GMT+7

Khu vực kinh tế hộ gia đình là nơi tạo công ăn việc làm nhiều nhất nhưng đang bị tổn thương. Kích cầu chi tiêu khu vực này thì mới kích thích tổng cầu trong nền kinh tế, từ đó kích hoạt sản xuất, tiêu dùng.

Hỗ trợ hộ kinh doanh gia đình

Theo thống kê, trong quý 1/2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Còn ở chiều ngược lại, số DN rút lui khỏi thị trường là 60.200 đơn vị, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.100 DN rút lui khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên trong quý 1 của các năm, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số thành lập mới và quay lại hoạt động. Mức vốn đăng ký cũng thấp nhất trong các quý 1 kể từ năm 2016 đến nay.

Kéo cầu tiêu dùng để kích kinh tế - Ảnh 1.

Thị trường tiêu dùng xuống thấp càng khiến sản xuất, kinh tế khó khăn

KHẢ HÒA

Thực tế, sau đợt giảm nhân sự trong cuối năm 2022 thì đến nay nhiều DN cũng tiếp tục giảm lao động (LĐ) như Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam - DN có nhiều LĐ nhất tại TP.HCM - đã giảm hơn 2.000 LĐ từ cuối tháng 2. Hay Liên đoàn LĐ tỉnh Đồng Nai vừa thông tin trên địa bàn có 3 DN lớn trong tháng 3 vừa qua đã cắt giảm LĐ như Công ty TNHH Pousung Việt Nam giảm 1.000 người, Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam giảm 227 người và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina giảm 795 người…

Khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cho thấy nhiều ngành nghề giảm đơn hàng xuất khẩu từ 30 - 40%, thậm chí giảm đến 50%. Điều này dẫn đến kết quả là người LĐ bị giảm thu nhập hoặc bị mất việc, không còn thu nhập và hạn chế chi tiêu. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định tình trạng những mặt bằng ở trung tâm TP.HCM đóng cửa, hàng quán ế ẩm có thể còn kéo dài. Vì vậy trước hết phải tập trung làm thế nào để hồi phục hoạt động của DN, đặc biệt là hộ kinh doanh gia đình. Khu vực kinh tế gia đình là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất nhưng dễ bị tổn thương từ khi đại dịch Covid-19 đến nay. 

"Vấn đề cơ bản là chính quyền phải làm thế nào để hỗ trợ cho người kinh doanh, không chỉ DN lớn mà chính là các tiểu thương, hộ gia đình. Chỉ khi khu vực này vẫn kinh doanh thì vẫn có việc làm, tạo ra thu nhập và từ đó mới có tiền để chi tiêu hằng ngày, lan tỏa đến những lĩnh vực sản xuất khác. Khi hoạt động kinh doanh có lãi thì nhà nước mới thu được thuế. Nếu họ kinh doanh thua lỗ hay đóng cửa, ngưng hoạt động thì tất nhiên sẽ không thể thu thuế, GDP không thể tăng", TS Lê Đăng Doanh nói.

Giảm thuế, phí

Trong khi số người bị giảm thu nhập hay mất việc đang diễn ra ở nhiều nơi thì giá hàng hóa lại tăng cao. Năm ngoái, từ ổ bánh mì thịt đến tô bún, phở, hủ tiếu hay đĩa cơm bình dân cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng và giữ nguyên đến nay dù từ đầu năm đến nay giá heo hơi liên tục xuống thấp, giá thịt heo tại các chợ và siêu thị cũng giảm mạnh đến vài chục ngàn đồng mỗi ký... Đó là chưa kể sắp tới đây, giá điện, vé máy bay, dịch vụ y tế… cũng đều gia tăng. Thực tế này khiến nhiều hộ gia đình càng lo lắng và mạnh tay cắt giảm chi tiêu. 

Chị Kim Thoa (Q.Tân Phú, TP.HCM), chủ một cơ sở kinh doanh, than thở từ sau tết đến nay hàng hóa hầu như không bán được, giảm lên đến 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước. Trước đây cơ sở của chị còn thuê thêm 2 LĐ nhưng nay cũng cho nghỉ hết. Thu nhập teo tóp nhưng chi phí lại vẫn gia tăng vì mặt bằng giá hầu như đã lên cao. Vì vậy dù đã thật sự giảm nhiều chi tiêu khác thì chị vẫn cho rằng gia đình đang quá đuối.

"2 người phụ việc đã gắn bó nhiều năm nhưng nay đành cho nghỉ và họ về quê vì hàng bán không đủ để trả lương, chỉ duy trì cho sinh hoạt gia đình mình. Tất cả mọi ăn uống bên ngoài như trước đây là cắt hết, chỉ chi tiêu cơ bản cho bữa ăn hằng ngày. Kiểu này kéo dài thì nhiều gia đình còn bị đói luôn chứ nói gì mua sắm", chị Kim Thoa than.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh phân tích: Để đưa kinh tế tăng trưởng thì cần phải quan tâm đến cả kích cầu đầu tư lẫn kích cầu tiêu dùng. Việc kích cầu đầu tư đã nói nhiều là phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên cả nước, không để ì ạch. Điều này rất quan trọng để giúp lan tỏa đến việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người, lan tỏa đến hoạt động của nhiều lĩnh vực.

 Ông ví dụ, trong quý 1/2023, xét về vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM so với cùng kỳ năm trước theo giá hiện hành chỉ tăng 4,4%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,5% và chỉ số thay đổi giá trị tăng thêm ngành xây dựng và công nghiệp chế biến - chế tạo tương ứng là 3,5% và 3,7%. Điều này có nghĩa là cầu đầu tư hầu như không tăng, thậm chí có thể giảm. Nhìn kỹ hơn về các loại hình đầu tư có thể thấy hầu như các loại hình đầu tư đều giảm trong 3 tháng đầu năm nay. Chỉ có khu vực tư nhân và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tăng trưởng. Như vậy nếu không có khu vực FDI thì tăng trưởng GRDP của TP.HCM có thể âm. 

Tương tự, xét về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành thì trong quý 1/2023, TP.HCM chỉ tăng trưởng 4,7% trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 10,3%. Như vậy, có thể thấy tăng trưởng cầu tiêu dùng của TP theo giá so sánh có thể âm khá sâu.

Song song đó, kể kích cầu tiêu dùng thì phải bắt đầu từ việc làm thế nào để kinh doanh sản xuất khởi sắc trở lại. Các hộ gia đình có thu nhập thì mới có chi tiêu. Muốn vậy, phải thực hiện ngay và luôn việc giảm mạnh lãi suất, giảm tất cả các loại thuế liên quan cho DN lẫn người dân như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… 

"Không thể chần chừ và cứ họp bàn mãi. Đặc biệt là đối với TP.HCM nếu chi tiêu tiêu dùng quá yếu có thể dẫn đến khả năng thiểu phát. Kinh tế của TP không tăng trưởng trở lại trong 1 - 2 quý tới thì có thể kéo dài khó khăn sang năm sau. Điều này là đặc biệt nghiêm trọng vì nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TP.HCM lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh. Cụ thể, chỉ số lan tỏa của TP.HCM cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía nam. Sự suy yếu của kinh tế TP.HCM tất yếu sẽ kéo theo sự suy trầm của nền kinh tế cả nước", TS Bùi Trinh nhấn mạnh.

TS Lê Đăng Doanh bình luận: Cấp thiết để tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp tục duy trì sản xuất, đưa hàng quán được mở cửa trở lại thì cần xem xét việc hỗ trợ về chính sách tín dụng, giảm các loại thuế phí liên quan, giãn nợ vay… Trong đó chú ý đến các lĩnh vực có khả năng lan tỏa rộng, thúc đẩy tiêu dùng nhanh ở các TP lớn như TP.HCM. Việc giảm thuế, phí cũng góp phần giúp kéo giảm phần nào giá hàng hóa đi xuống trong bối cảnh giá các loại nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn ở mức cao hay giá điện sắp tăng có nguy cơ góp phần đẩy giá hàng hóa lên theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.