Học trước ĐH từ phổ thông: Còn nhiều vướng mắc

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/01/2024 07:08 GMT+7

Trên thế giới, mô hình tích lũy tín chỉ bậc ĐH dành cho học sinh THPT đã trở nên phổ biến, nhưng tại VN đến nay mới chỉ có vài đơn vị đã và sắp bắt đầu triển khai mô hình này.


Để việc học trước ĐH từ THPT thực hiện khả thi cần đặt ra nhiều vấn đề.

CHỈ DÀNH CHO HỌC SINH NỔI TRỘI, XUẤT SẮC

Năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quy định cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc THPT và bậc ĐH. Đến năm 2018, quy định này đã được sửa đổi và bắt đầu triển khai thực hiện. Theo đó, ĐH Quốc gia cho phép học sinh (HS) trường THPT chuyên trực thuộc học trước một số môn của bậc ĐH. Sau khi đánh giá hiệu quả, đến cuối năm 2021, cơ chế đặc thù này mở rộng đối tượng, cho phép HS THPT chuyên trên toàn quốc được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Học trước ĐH từ phổ thông: Còn nhiều vướng mắc- Ảnh 1.

Học sinh trường chuyên trên cả nước nếu đủ điều kiện có thể học để tích lũy các tín chỉ của ĐH Quốc gia Hà Nội

NGỌC LONG

Cụ thể, HS THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội và HS THPT chuyên trong cả nước (bắt đầu từ học kỳ 2 lớp 11) muốn đăng ký phải đảm bảo các điều kiện: có kết quả học tập tối thiểu loại giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước; được hiệu trưởng trường THPT HS đang theo học và đơn vị đào tạo ĐH đồng ý. Trong một học kỳ, HS được học tối đa không quá 3 học phần. Các trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức cho HS đủ điều kiện học tích lũy trước các học phần và HS được tham gia học tập cùng với lớp học phần của sinh viên ĐH chính quy. Kết quả học tập các học phần được bảo lưu khi HS trúng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội.

Mới đây, vào cuối tháng 12.2023, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng công bố năm 2024 sẽ triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho HS THPT có năng lực vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, HS tài năng ở tất cả trường THPT sẽ được học một số môn của bậc ĐH qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ. Những tín chỉ này sẽ được công nhận khi HS trở thành sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trong khi đó, Trường ĐH FPT nhiều năm qua cũng đã xây dựng chương trình đào tạo cho HS THPT yêu thích ngành công nghệ thông tin có thể theo học. Tại chương trình này, trường xây dựng một số môn học tương đương với các môn trình độ ĐH để nếu HS trở thành sinh viên của trường thì được chuyển đổi, công nhận tín chỉ. Tuy chương trình này không đề ra tiêu chí phải là HS giỏi, xuất sắc mới được đăng ký học, nhưng trên thực tế chỉ những HS thực sự đam mê và có năng lực nổi trội về công nghệ thông tin mới có thể theo học.

"Quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho những HS có khả năng vượt trội có thể tích lũy trước một số tín chỉ trong chương trình ĐH, trải nghiệm môi trường học ĐH, phát huy được năng lực và sau này sẽ rút ngắn được thời gian khi học ĐH", PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.

Mục tiêu thực hiện đề án cho HS học trước ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM, theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhằm giúp những HS tài năng có cơ hội làm quen môi trường ĐH, sớm có định hướng nghề nghiệp và sau này sẽ rút ngắn được quá trình học ĐH, với tối đa một năm.

Học trước ĐH từ phổ thông: Còn nhiều vướng mắc- Ảnh 2.

Học sinh có năng lực và có nhu cầu nếu học trước ĐH sẽ tiết kiệm được thời gian cho quá trình học ĐH sau này

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


KHÓ VÌ HỌC SINH KHÔNG CÓ NHIỀU THỜI GIAN

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết từ khi ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình, đến nay trường có hơn 20 HS đăng ký học. Theo quy định, HS sẽ phải tham gia học tập cùng với lớp học phần của sinh viên ĐH chính quy.

"Hầu hết các em đều hào hứng, chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Phụ huynh có con theo học chương trình này cũng rất ủng hộ. Đến nay, có HS của trường đã tích lũy được 30/130 tín chỉ ĐH. Với tiến độ hiện tại, em này có thể tốt nghiệp ĐH trong 2 năm. Tuy nhiên, chỉ em nào thực sự nổi trội và sắp xếp được thời gian học tập hợp lý ở trường THPT và ở trường ĐH mới có thể đạt được kết quả như vậy, do các em cũng phải trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá và đạt chuẩn đầu ra y như sinh viên chính quy", PGS-TS Nguyễn Quang Liệu chia sẻ.

Vì vậy, theo ông Liệu, nếu không thực sự có năng lực và không có sự chuẩn bị kỹ thì việc tích lũy trước tín chỉ ĐH có thể sẽ gây áp lực, lãng phí thời gian, tiền bạc của HS và gia đình mà không đạt được kết quả như mong muốn.

Điều này càng khó khăn hơn nếu trường ĐH muốn thu hút HS của các trường chuyên ở tỉnh, thành khác, dù đó là HS xuất sắc, nổi trội. PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định: "Do khoảng cách về địa lý, các em khó có thể sắp xếp được thời gian để vừa học chương trình phổ thông vừa về Hà Nội học chương trình ĐH, nhất là với các em cuối cấp. Hiện chúng tôi vẫn đang tìm phương án phù hợp để có thể thực hiện".

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc cho HS THPT học trước ĐH có thể sẽ trở thành một xu hướng tại VN trong tương lai. Tuy nhiên, cái khó là liệu các em có sắp xếp được thời gian để vào trường học trực tiếp cùng với các anh chị sinh viên chính quy hay không.

NẾU HỌC TRƯỜNG ĐH KHÁC, TÍN CHỈ ĐÃ TÍCH LŨY CÓ CÒN GIÁ TRỊ ?

Một vấn đề nhiều người băn khoăn là nếu một HS đã tích lũy tín chỉ ở một trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng sau khi tốt nghiệp THPT muốn học Trường ĐH Ngoại thương hoặc một trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, thì sẽ ra sao?

TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: "Thông thường em nào đã đăng ký học trước thì đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, xác định sau THPT mình sẽ học ngành gì, trường nào. Tuy nhiên cũng sẽ có tình huống các em thay đổi định hướng chọn trường, chọn nghề. Như vậy những tín chỉ đã tích lũy chỉ có giá trị khi các trường có sự đồng bộ trong chương trình đào tạo, có cùng đề cương môn học và có ký kết hợp tác để công nhận lẫn nhau. Để đảm bảo lợi ích cho người học thì việc này là cần thiết", TS Hạ nêu.

Nhưng để công nhận lẫn nhau không đơn giản. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho rằng tuyển sinh ĐH hiện nay có 2 hướng, một là đầu vào rất chặt chẽ, hai là đầu vào mở. Đồng thời chương trình học, cách kiểm tra đánh giá, chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của các trường hiện nay cũng khác nhau, thì liệu có thể chuyển đổi tín chỉ từ trường có đầu vào mở, chuẩn đầu ra thấp sang trường có đầu vào chặt chẽ, chuẩn đầu ra cao hơn? "Vì vậy, các trường phải xây dựng chương trình, các môn học có sự đồng bộ, tương đương và học xong được cấp chứng chỉ thì những tín chỉ đó mới có giá trị khi học ở bất cứ đâu", TS Lê Trường Tùng chia sẻ.

Quy chế cho phép trường chuyển đổi tín chỉ tối đa 50%

PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất khi chương trình môn học có nội dung tương đương nhau từ 80% thì nên công nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, để việc công nhận tín chỉ lẫn nhau được thuận lợi thì các trường ĐH cũng nên trao đổi, thống nhất mức học phí đảm bảo yêu cầu của các bên.

Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng thế giới đã làm được thì VN trước sau gì cũng phải làm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học. "Hiện nay các quy định, quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT hoàn toàn thuận lợi, cho phép các trường chuyển đổi tín chỉ tối đa là 50%. Vấn đề còn lại là giữa các trường ĐH với nhau", TS Lê Trường Tùng nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.