Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh lớp 10 đề xuất gì?

09/01/2024 14:43 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 áp dụng cuốn chiếu đã đi hết một nửa chặng đường (gồm lớp 10 và học kỳ 1 của lớp 11) đối với bậc THPT.

Với học sinh lớp 10, đây là học kỳ đầu tiên các em học theo chương trình mới. Vì từ lớp 9 năm ngoái trở về trước, lứa học sinh này học theo chương trình cũ 2006. Sau một chặng đường học tập, rèn luyện, học sinh lớp 10 hiện tại đưa ra một số nhận xét.

Hứng thú về sự đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy

Tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với học sinh lớp 10. Đa số học sinh đều cảm thấy hứng thú học tập chương trình mới so với chương tình cũ trước đây. Theo học sinh, ở chương trình mới, các em được chọn tổ hợp môn với các môn học mình yêu thích. Nhiều môn học được xây dựng theo cách giảm tải phần lý thuyết và tăng tính thực hành, vận dụng.

Về phương pháp dạy và học, hầu hết học sinh cho rằng mình thích thú vì "không bị gò bó, rập khuôn bởi sách giáo khoa, các tài liệu". Ngược lại, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh. Học sinh được trao đổi, thảo luận, hoạt động nhóm nhiều hơn. Vì thế, tiết học lúc nào cũng sôi nổi, khác với không khí trầm lắng trước đây. Các môn học như tiếng Anh, ngữ văn, giáo viên cũng tăng cường cho nhiều kỹ năng cho học sinh như đọc, nói và nghe, thay vì quá chú trọng kỹ năng viết như trước đây giúp học sinh "bớt rụt rè, thụ động trong học tập, giao tiếp".

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh lớp 10 đề xuất gì?- Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 trong giờ học ngữ văn theo chương trình mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về kiểm tra, đánh giá, học sinh thích chương trình mới vì đánh giá toàn diện thế mạnh của học sinh. Cách đánh giá cũ chỉ tập trung vào bài kiểm tra viết. Trong khi đó, cách đánh giá mới có nhiều hình thức như: sản phẩm, hoạt động thuyết trình, thực hành... khiến học sinh yêu thích và việc học hiệu quả hơn.

Đối với ngữ văn, dù ngữ liệu trong đề thi nằm ngoài sách giáo khoa phần nào gây khó khăn cho học sinh, nhưng các em tán thành và đánh giá cao cách kiểm tra này. Học sinh cho rằng đây là một trong những "điểm sáng", sự "lột xác" rõ nhất của chương trình mới.

Lo lắng vì chương trình còn nặng, hệ lụy của hoạt động quá sức

Tuy nhiên, học sinh vẫn bày tỏ nhiều lo lắng, băn khoăn về gánh nặng của chương trình mới và các hệ lụy của nó. Một học sinh lớp 10 chia sẻ: "Em nhận thấy chương trình mới không hề giảm tải, bằng chứng là ngày nào em cũng thức đến 11, 12 giờ đêm mới giải quyết hết bài vở".

Chương trình mới còn tạo gánh nặng cho học sinh vì giáo viên "giao việc" quá nhiều. Cụ thể, hầu hết môn học bắt buộc các em phải nộp sản phẩm học tập, nên tốn nhiều công sức. Học sinh thuyết trình nhiều là tốt, nhưng có sản phẩm để thuyết trình học sinh phải hao tốn rất nhiều thời gian.

Một học sinh phân tích tác hại của việc lạm dụng hoạt động nhóm: "Hoạt động làm việc theo nhóm sẽ không có hiệu quả học tập với những cá nhân không tích cực trong nhóm. Khi ấy những bạn này sẽ có thái độ ỷ lại các bạn khác, không chịu làm việc, lâu dài sẽ hỏng kiến thức trầm trọng".

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh lớp 10 đề xuất gì?- Ảnh 2.

Học sinh lớp 10 thuyết trình về tết Việt

NGỌC TUẤN

Đa dạng các hoạt động (như hướng nghiệp, trải nghiệm, ngoài không gian lớp học...), giúp học sinh năng động, tích cực, hướng đến xu thế công dân toàn cầu. Nhưng việc tổ chức tràn lan, thường xuyên cũng tạo cho các em tâm lý mệt mỏi, đó cũng là lo lắng của các em.

Tranh luận về việc cho phép hay cấm sử dụng điện thoại di động trong nhà trường có vẻ không còn phù hợp với xu thế của chương trình mới. Vì hiện tại, việc giảng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới kết hợp cùng lúc nhiều hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến (online). Ngay cả việc sử dụng tài liệu học tập giáo viên cũng gửi cho học sinh qua mạng chứ ít photo như trước đây.

Điều này đòi hỏi mỗi học sinh đến lớp phải mang theo thiết bị công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop... Vì thế, nhà trường cần tăng cường vai trò quản lý. Nếu không thì học sinh sẽ dễ "lạm dụng khi sử dụng điện thoại, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực", một học sinh nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.