Chương trình mới giảm tải kiến thức, vì sao vẫn gây áp lực học sinh?

09/11/2023 17:28 GMT+7

Các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bao gồm việc giảm tải kiến thức cho người học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu nhà trường đặt nặng thành tích, dẫn đến gây áp lực cho giáo viên lẫn học sinh.

Dù chương trình GDPT 2018 có mục tiêu giảm tải kiến thức cho học sinh nhưng khi nhà trường quá chú trọng điểm số, thành tích, hiệu quả giảng dạy của giáo viên để đánh giá, xếp loại, xét thi đua... thì cũng sẽ gây áp lực cho học sinh.

Học sinh nhận "hệ lụy kéo theo"

Cụ thể, nhà trường dựa trên điểm số (điểm trung bình môn giảng dạy của học kỳ, năm học; điểm kiểm tra tập trung giữa kỳ, cuối kỳ) để đánh giá, xếp loại giáo viên sẽ tạo cho giáo viên áp lực. 

Điều này dẫn đến hệ lụy giáo viên cũng tạo ra áp lực về phía học sinh. Giáo viên muốn có điểm số cao sẽ cho bài tập nhiều hơn, yêu cầu học sinh học nhiều hơn. 

Quá chú trọng điểm số, giáo viên chỉ tập trung nhiều đến những nội dung kiến thức kiểm tra, cắt xén bài dạy, ôn kỹ bài này xem nhẹ bài kia, dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, "thi gì thì dạy và học nấy". 

Chẳng hạn, trong môn ngữ văn trước đây, chương trình được xây dựng gồm nhiều dạng văn bản (nghệ thuật, thông tin, nhật dụng...), nhưng đề thi vẫn tập trung ở văn bản nghệ thuật (thơ, truyện...) với một số tác phẩm cố định. Điều này tiếp tay cho việc học văn mẫu.

Với cách ra đề theo chương trình mới, đề kiểm tra các môn đã "lột xác", nhưng vẫn cứ nặng nề điểm số và kiến thức, xem nhẹ kỹ năng. Vì thế, học trò vẫn bị ép vào khuôn mẫu và mất tính sáng tạo trong học tập.

Trường không nặng nề điểm số, sẽ giảm áp lực cho học sinh - Ảnh 1.

Chương trình mới có nhiều cách đánh giá, kiểm tra học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH


Đâu là giải pháp?

Chương trình GDPT 2018 không nặng nề về điểm số, nhiều môn học thay cách đánh giá điểm số bằng nhận xét (đạt và chưa đạt). 

Giáo viên cũng có quyền đánh giá học sinh bằng nhiều cách theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD-ĐT, gồm: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án, sản phẩm...

Để tránh tình trạng giáo viên gây áp lực cho học sinh, lãnh đạo một số trường như Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận TP.HCM) "cởi trói" cho thầy cô bằng cách không tổ chức kiểm tra tập trung giữa kỳ. 

Trường không nặng nề điểm số, sẽ giảm áp lực cho học sinh - Ảnh 2.

Nhà trường cần có giải pháp phù hợp để giảm áp lực cho học sinh lẫn giáo viên nhằm đảm bảo đúng tinh thần giảm tải của chương trình GDPT 2018

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thay vào đó, nhà trường cho giáo viên dạy tự kiểm tra tại lớp, nhà trường quản lý việc ra đề và việc thực hiện. Một số trường giao tổ bộ môn quản lý, cho học sinh kiểm tra tại lớp theo một thời gian thống nhất chung cả trường.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM nêu quan điểm: "Nhà trường đã bỏ đánh giá hiệu suất giảng dạy của giáo viên từ 2 năm nay. Vì nó bất cập với chương trình mới, không công bằng cho giáo viên và tạo áp lực không đáng có".

Không tạo áp lực cho giáo viên về điểm số sẽ trút bỏ phần nào "tảng đá áp lực" đang đè nặng trên vai học sinh về học tập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.