Học sinh bị bỏ quên trên xe: Bài học quy trình, trách nhiệm mãi chưa 'thuộc'?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/06/2023 16:50 GMT+7

Sự việc học sinh lớp 1 Trường tiểu học Archimedes Academy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe vừa qua dù không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng một lần nữa khiến dư luận "rùng mình" nhớ lại một số vụ việc đau lòng đã từng xảy ra, mong muốn cần đặc biệt quan tâm đến quy trình và trách nhiệm khi vận hành dịch vụ này.

Phản hồi thông tin về việc học sinh lớp 1 Trường tiểu học Archimedes Academy bị bỏ quên trên xe ô tô trong chuyến dã ngoại ngày 22.6, trong "tâm thư" gửi phụ huynh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Archimedes Academy Vũ Thị Bảo Trâm xin lỗi, nhận trách nhiệm và "cam kết không có bất cứ sự cố nào xảy ra gây bất an và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý của các con học sinh và gia đình".

Lần nào cũng vậy, sau mỗi vụ việc, nhà quản lý lại có văn bản, chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Vấn đề đặt ra là, phải chăng tinh thần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn chỉ được quan tâm và sốt sắng một thời gian, rồi khi sự việc dần lãng quên thì các quy tắc cũng dần lỏng lẻo?

Cần quy trình có nhiều lớp giám sát

Xuất phát từ sự việc vừa qua, rất nhiều ý kiến phụ huynh đề nghị mỗi nhà trường có tổ chức xe đưa đón học sinh cần xây dựng và cam kết một quy trình đón trả các em một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt nhất. Ví dụ, nên quy định bắt buộc lái xe khi tắt máy phải đi kiểm tra lại hết các hàng ghế và xác nhận trên app là đã trả hết học sinh xuống xe mới được di chuyển về bãi.

Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng phải điểm danh trẻ khi xuống xe. Cần có 2 bộ phận tách biệt vậy kiểm tra song song thì mới tránh được tình huống đếm thiếu, không đếm hay đếm sai.

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành dịch vụ đưa đón học sinh của Trường Marie Curie (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nguyên nhân khiến học sinh bị bỏ quên trên xe đều là do tài xế và người phụ trách (trưởng xe) kiểm soát không tốt.

Với hơn 100 xe đưa đón học sinh, dù ký kết với công ty dịch vụ nhưng quy trình đón trả học sinh là do nhà trường đặt ra. Quy trình được xây dựng với nhiều lớp giám sát để nếu người này không làm đúng trách nhiệm thì vẫn có người khác phát hiện ra, bởi học sinh có thể ngủ quên trên xe bất cứ lúc nào.

Trên xe có một tài xế và một trưởng xe. Trưởng xe có trách nhiệm kiểm soát sĩ số học sinh trên xe, dựa vào danh sách (gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh) để liên lạc khi không thấy các học trò. Sau đó, trưởng xe sẽ gọi về trung tâm điều hành xe của trường để báo cáo về số học sinh đã lên và xuống xe vào trường; thời gian xe tới và lúc về bãi tập kết là mấy giờ theo kiểu báo cáo nhanh của quân đội. Nếu xe nào không báo cáo, đến giờ, trung tâm sẽ gọi đến để hỏi tình hình.

Tại trường, theo ông Khang, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ điểm danh lớp học để xem học sinh nào vắng mặt không phép. Khi đó, giáo viên sẽ liên hệ với gia đình. Nếu phụ huynh báo con đã lên xe rồi, cô giáo phải lập tức báo cho gia đình là không thấy cháu ở lớp để gia đình và nhà trường phối hợp tìm kiếm.

Ngoài ra, trường cũng tổ chức tập huấn, thực hành kỹ năng an toàn cho học sinh khi đi xe ô tô như: những quy tắc thông thường và cách thoát hiểm khi gặp sự cố, đặc biệt là trường hợp bị bỏ quên trên xe. Học sinh được trực tiếp thao tác những kỹ năng dưới sự hướng dẫn của các bác lái xe. Theo đó, có hướng dẫn học sinh các cách xử lý trong tình huống bị bỏ quên trên xe như mở cửa lùa, lấy búa thoát hiểm phá cửa kính, sử dụng tín hiệu kêu cứu…

Phải chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín

Một số chuyên gia cho rằng, chỉ tính riêng Hà Nội hiện có trên 100 trường trong và ngoài công lập sử dụng xe đưa đón học sinh. Số lượng xe lên tới hàng nghìn chiếc. Đây là loại hình vận tải đặc thù và yêu cầu an toàn ở mức độ rất cao.

Quy định quản lý hiện nay nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ xe hợp đồng như cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, thanh, kiểm tra, bởi vậy vẫn xuất hiện phương tiện vi phạm len lỏi vào các trường học để đưa đón học sinh.

Bên cạnh việc kiểm tra thủ tục giấy tờ, lực lượng có chức năng cũng cần phải kiểm tra các điều kiện về phương tiện phải đảm bảo được chất lượng phục vụ như phải có số ghế, bình cứu hỏa, hộp cứu thương, búa phá kính, camera giám sát hành trình để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi di chuyển hàng ngày.

Về phía Sở GD-ĐT Hà Nội, một lãnh đạo sở này cho biết, ngay từ đầu năm học, sở đã có văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học, trong đó yêu cầu các trường đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh với những trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Theo đó, các trường phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng yêu cầu về kỹ thuật để vận hành an toàn; lái xe có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Phải rà soát quy trình đón học sinh, quản lý trẻ từ gia đình lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao học sinh cho gia đình bảo đảm chặt chẽ, rõ trách nhiệm; thông báo rộng rãi quy trình này đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh để cùng phối hợp, giám sát thực hiện, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.