Hoàn lưu bão gây nguy cơ ngập nặng từ Quảng Bình đến Quảng Nam

16/09/2017 00:00 GMT+7

Cơn bão số 10 tan dần trên khu vực thượng Lào, nhưng hoàn lưu còn lại của bão khiến miền Trung còn mưa to đến rất to trong ngày thứ bảy (16.9).  * Mưa nhiều, ứng phó nhiều loại sâu bệnh hại lúa

Cơn bão số 10 (Doksuri) tan dần trên khu vực thượng Lào, nhưng hoàn lưu còn lại của bão khiến miền Trung còn mưa to đến rất to trong ngày thứ bảy (16.9), tập trung vào chiều tối và đêm về sáng, sau đó mưa gió sẽ giảm dần. Sau bão, nguy cơ lũ lụt ngập úng xảy ra ở các vùng trũng thấp từ Quảng Bình đến Quảng Nam, vùng núi có khả năng sạt lở đất và lũ quét nên cần đề phòng.
Miền Bắc vẫn còn mưa trong ngày thứ bảy, sau đó sẽ chịu tác động bởi một khối không khí áp cao từ lục địa phía bắc hoạt động yếu nên thời tiết tốt dần. Mưa sẽ giảm chỉ còn vài nơi vào đêm và sáng, ban ngày có nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ.
Gió tây nam còn khá mạnh trong ngày thứ bảy, sau đó suy yếu dần nhưng lại xuất hiện một rãnh áp thấp đi ngang qua Nam bộ với các nhiễu động từ biển vào nên thời tiết các tỉnh miền Nam sáng nắng đến trưa, chiều tối có mưa nhiều nơi, mưa vừa có nơi mưa to nhất là miền Đông và vùng ven biển ĐBSCL.
Do hội tụ gió nên chú ý đề phòng giông sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. Độ ẩm cao và ban đêm trời mát nên sáng sớm có lúc xuất hiện sương mù trên diện khá rộng, tầm nhìn xa giảm xuống dưới 1 km, ảnh hưởng đến giao thông.
Mưa trên thượng nguồn sông Mê Kông do bão số 10 nên trong tuần sau mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên lại. Theo dự báo khí tượng thủy văn, đến ngày 19.9, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức 3,25 m; tại Châu Đốc lên mức 2,85 m, mùa lũ chính vụ đang bắt đầu trong thời gian tới.
Trong tuần tới, mực nước trên các sông rạch TP.HCM sẽ lên nhanh theo đợt triều cường cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch. Mưa kết hợp triều cường có thể gây ngập úng nhiều nơi trũng thấp.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, những dịch bệnh hại trong thời gian tới ở phía nam gồm các đối tượng chính là rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh lem lép hạt gây hại trên lúa giai đoạn đòng trổ. Riêng đối với ĐBSCL chú ý theo dõi đợt rầy cám nở rộ, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên lúa mùa và bệnh đạo ôn trên lúa trong giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ. Mưa lũ gây ngập úng, chú ý ốc bươu vàng phát triển nhanh.
Ngoài ra, mưa ẩm nhiều và kéo dài nên chú ý bệnh gia tăng trên cây hồ tiêu, cà phê như rệp sáp, thán thư, bọ xít...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.