Hình ảnh mới của hố đen 'bánh rán'

13/04/2023 22:08 GMT+7

Năm 2019 đánh dấu thành tựu chưa từng có trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ khi nhân loại thấy được hình ảnh hố đen đầu tiên được ghi hình, với bề ngoài khi ấy chẳng khác nào "bánh rán".

Hình ảnh mới của hố đen 'bánh rán' - Ảnh 1.

Nguyên mẫu hình ảnh đầu tiên vào năm 2019 (trái) và phiên bản mới nhất

REUTERS

Phải mất gần 3 năm, các nhà khoa học hôm nay 13.4 mới công bố hình ảnh mới và được cải thiện của hố đen này. Đây là kết quả dựa vào cùng dữ liệu được thu thập trước đó, nhưng xây dựng hình ảnh dựa trên các thuật toán để chắp vá những lỗ hổng trong quan sát vào năm 2019, theo Reuters.

Rất khó được quan sát trên thực tế, hố đen là những thiên thể phóng thích lực hấp dẫn lớn đến nỗi không vật chất nào, bao gồm ánh sáng, có thể thoát khỏi chúng.

Hố đen trong ảnh là "gã khổng lồ" của thiên hà tên gọi Messier 87, hay M87, cách trái đất khoảng 54 triệu năm ánh sáng. Trong đó, 1 năm ánh sáng có nghĩa là khoảng cách ánh sáng di chuyển trong vòng 1 năm, tức 9.500 tỉ km.

Messier 87 là thiên hà có khối lượng gấp 6,5 tỉ lần mặt trời, với kích thước lớn hơn và tỏa ánh sáng rực rỡ hơn Dải Ngân hà của chúng ta.

Hình ảnh mới là công trình nghiên cứu của nhóm đứng đầu là nhà vật lý học thiên thể Lia Medeiros của Viện Nghiên cứu Cấp cao ở Princeton (bang New Jersey).

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters, nhóm của bà Medeiros là thành viên của dự án Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (EHT). Được khỏi động từ năm 2012, EHT nhằm phục vụ mục đích quan sát trực tiếp môi trường hoạt động của một hố đen.

Sau thành công với hố đen Messier 87, bà Medeiros cho hay cùng đồng sự lên kế hoạch áp dụng cùng kỹ thuật này để cải thiện hình ảnh thứ hai của một hố đen từng ghi hình được từ trước đến nay. Đó là "siêu sao" của Dải Ngân hà Sagittarius A*, hay Sgr A*, được công bố năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.