'Hiệp sĩ đường phố' cần được huấn luyện và bảo vệ

Ngọc Lê
Ngọc Lê
14/05/2018 19:19 GMT+7

'Cần sớm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi cho 'hiệp sĩ đường phố'. Đồng thời tập huấn thêm kĩ năng tự vệ cho 'hiệp sĩ' trong khi chống tội phạm'.

Đó là ý kiến của đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khi nói về mô hình săn bắp cướp.
Nhiều năm gần đây, phong trào "hiệp sĩ đường phố" tự phát bùng lên, thu hút nhiều sự quan tâm và được người dân đồng thuận. Xuất phát từ tình hình đó, Bộ Công an, Công an TP.HCM và các cơ quan chính quyền đã có nhiều cuộc họp bàn cách hợp thức hóa loại hình này, theo hình thức Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, đặt dưới sự giám sát của công an. Tuy nhiên, do vướng nhiều vấn đề pháp lý nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Cần tập huấn kỹ năng cho “hiệp sĩ đường phố”

Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá mô hình hiệp sĩ săn bắt cướp có nhiều mặt tiêu cực và tích cực. Trước tình hình diễn biến phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), tội phạm lộng hành, cướp giật, trộm cắp xảy ra nhiều nên xuất hiện các nhóm “hiệp sĩ đường phố” (theo cách gọi của người dân). Về mặt tích cực, việc săn bắt cướp của nhóm “hiệp sĩ đường phố” là mô hình tự phát theo kiểu Lục Vân Tiên, nghĩa hiệp, người tốt, dũng cảm trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm (PCTP). Đây là hoạt động tự nguyện, thúc đẩy phong trào toàn dân PCTP.

Theo đại tá Sơn, nhiều năm qua chúng ta thấy hiệu quả mô hình săn bắt cướp ở TP.HCM, Đồng Nai, Biên Hòa có tín hiệu tích cực, được xã hội đồng thuận, nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã phải trả giá trước pháp luật. Đây mô hình mang tính tự phát của một số người nghĩa hiệp, họ tự nguyện đứng ra đương đầu với hiểm nguy để săn bắt tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

"Điều đáng chú ý, hiện nay các “hiệp sĩ” chưa được tập hợp lại một cách bài bản để cơ quan chức năng tập huấn trong việc PCTP. Cụ thể như tập huấn tự bảo vệ bản thân mình, nghiệp vụ theo dõi, bắt quả tang và những quy định của pháp luật trong PCTP", đại tá Trần Sơn nhấn mạnh.

“Hiệp sĩ đường phố” cũng cần bảo vệ

Theo đại tá Sơn, hiện nay tội phạm ngày càng manh động, tội phạm trang bị vũ khí nóng, nếu bị truy đuổi sẽ chống trả quyết liệt nên rất nguy hiểm. Mặc dù việc săn bắt cướp của các “hiệp sĩ” được xã hội đồng tình nhưng chưa tạo được phong trào PCTP mạnh mẽ, ví dụ khi đề nghị giúp đỡ công an cùng đấu tranh thì nhiều người e ngại, vì có thể phải đứng ra làm chứng, hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Đại tá Sơn đánh giá cao tinh thần đấu tranh PCTP của các “hiệp sĩ đường phố” khi vụ việc săn bắt cướp xảy ra thương vong, mất mát nhưng các hiệp sĩ không chùng bước. Trước mắt, cơ quan công an phải tuyên truyền làm sao để “hiệp sĩ” không chỉ bắt quả tang hành vi phạm tội mà họ sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng cùng chống tội phạm.

Từ đó, đại tá Trần Sơn kiến nghị cần sớm có quy định về việc bảo vệ cho “hiệp sĩ” nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ khi tham gia đấu tranh PCTP. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng mô hình “hiệp sĩ đường phố” trong việc đấu tranh PCTP cướp giật, trộm cắp tài sản.

“Cần tập huấn cho các hiệp sĩ các kỹ năng khi theo dõi đối tượng, bắt tội phạm trên đường, mở lớp dạy võ miễn phí để họ tự vệ bản thân và có thể nghiên cứu trang bị cho họ công cụ hỗ trợ cần thiết. Đặc biệt, nên có quỹ PCTP để duy trì động viên các hiệp sĩ tham gia hoạt động đường phố này”, đại tá Sơn nhấn mạnh.

Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải: Nên “lùa” đối tượng ra chỗ trống để khống chế
Trưa 14.5, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cùng các thành viên trong CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã đến thăm hỏi gia đình những “hiệp sĩ đường phố” Q.Tân Bình (TP.HCM) bị nạn vào tối 13.5.

Anh Nguyễn Thanh Hải, trưởng nhóm hiệp sĩ Bình Dương, cho biết sự việc xảy ra đối với các hiệp sĩ Tân Bình là hết sức đau buồn, toàn thể các hiệp sĩ ở Bình Dương rất bàng hoàng nhưng không hề chùn bước.

Nhóm hiệp sĩ Bình Dương và các hiệp sĩ đường phố TP.HCM Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Theo anh Hải, trong quá trình truy bắt trộm cướp, các đối tượng thường rất manh động dùng dao, ống chích, đoản sắt, súng bắn bi, bắn điện, bình xịt hơi cay… để chống trả. Các hiệp sĩ Bình Dương cũng nhiều lần gặp nạn do bị chống trả và tai nạn ở trên đường, cũng có người tử vong. “Trong các trường hợp trộm cắp mà chúng tôi theo dõi, chúng tôi sẽ đeo bám đối tượng và “lùa” ra khu vực trống sau đó ép xe máy, khống chế để tránh tai nạn cho người đi đường và có khoảng trống để thoát khi bị tấn công”, anh Hải nói.

Anh Hải cho biết thêm khi truy bắt các nghi can trộm cướp, đặc biệt là lúc truy đuổi luôn phải quan sát trước sau, nhìn gương chiếu hậu để biết đồng bọn đi cùng. Khi bắt, phải khống chế, dùng dây rút nhựa để khóa 2 tay của nghi can, đề phòng chống trả.

Được thành lập từ năm 1997 ở Bình Dương, đến nay, nhóm hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đã phát hiện, phá trên 2.000 vụ phạm pháp giao cho công an xử lý trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản…

Anh Hải cho biết các hiệp sĩ được công an các địa phương ở Bình Dương thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, hàng năm được huấn luyện võ thuật 2 lần và trang bị các phương tiện như xe máy, áo chống đâm, găng tay chống dao...
Đỗ Trường

 Như Thanh Niên đã thông tin, tối 13.5, một nhóm "hiệp sĩ đường phố" Q.Tân Bình (TP.HCM) phát hiện 2 thanh niên đi xe máy Exciter 150 trên đường Út Tịch (Q.Tân Bình) có biểu hiện khả nghi nên cả nhóm bám theo. Khi thấy 2 thanh niên này phá khóa một xe máy hiệu SH dựng trên đường Cách Mạng Tháng 8, nhóm "hiệp sĩ đường phố" chạy đến can ngăn thì bị nhóm thanh niên dùng hung khí tấn công. Hậu quả, 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 người khác bị thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.