Hàng triệu năm phụ thuộc giữa côn trùng và hoa sắp kết thúc?

Khánh An
Khánh An
20/12/2023 10:15 GMT+7

Loài hoa bướm ở Pháp đang ra hoa nhỏ hơn, ít mật hơn trong sự tiến hóa khiến giới khoa học sửng sốt.

Hàng triệu năm phụ thuộc giữa côn trùng và hoa sắp kết thúc? - Ảnh 1.

Hoa bướm đang tiến hóa trở nên nhỏ và ít mật hơn

UKRAEUTER

Tờ The Guardian ngày 20.12 đưa tin các nhà khoa học phát hiện rằng những bông hoa đang "từ bỏ" các tác nhân giúp thụ phấn và tiến hóa để ít thu hút hơn, do số lượng côn trùng giảm dần.

Trong nghiên cứu vừa công bố, loài hoa bướm (Viola arvensis) mọc gần Paris (Pháp) có kích thước nhỏ hơn 10% và sản xuất ít mật hơn 20% so với những bông hoa mọc ở cùng khu vực này cách đây 20-30 năm. Chúng cũng thu hút ít côn trùng hơn.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hoa bướm đang tiến hóa để từ bỏ các loài giúp thụ phấn", theo ông Pierre-Olivier Cheptou tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và là thành viên nhóm nghiên cứu.

"Chúng đang tiến hóa theo hướng tự thụ phấn, trong đó mỗi cây tự sinh sản. Điều này có hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng có thể hạn chế khả năng thích ứng với những thay đổi môi trường trong tương lai", ông nhận định.

Thực vật tạo ra mật hoa cho côn trùng và đổi lại côn trùng vận chuyển phấn hoa giữa các cây. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này đã hình thành qua hàng triệu năm cùng tiến hóa.

Nhưng hoa bướm và các loài côn trùng giúp thụ phấn giờ đây có thể bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, khi thực vật sản xuất ít mật hoa hơn và sẽ có ít thức ăn hơn cho côn trùng, từ đó sẽ đẩy nhanh tốc độ suy giảm của cả 2.

"Kết quả của chúng tôi cho thấy mối tương tác lâu đời giữa hoa bướm với các loài thụ phấn của chúng đang biến mất nhanh chóng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những loài thực vật này tiến hóa nhanh đến vậy", theo nhà nghiên cứu Samson Acoca-Pidolle tại Đại học Montpellier (Pháp) dẫn đầu nghiên cứu.

Các nghiên cứu tại châu Âu đã ghi nhận sự sụt giảm côn trùng. Một nghiên cứu đối với các khu bảo tồn ở Đức nhận thấy rằng từ năm 1989-2016, trọng lượng của côn trùng mắc bẫy giảm 75%.

"Kết quả cho thấy rằng tác động của việc suy giảm côn trùng thụ phấn là không dễ dàng khắc phục được vì thực vật đã bắt đầu thay đổi. Do đó, các biện pháp bảo tồn là rất cần thiết để ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm của các loài thụ phấn", theo nhà nghiên cứu Acoca-Pidolle.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.