Hà Nội cần lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố

05/04/2023 09:50 GMT+7

Để quản lý lòng đường, vỉa hè Hà Nội vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo quyền mưu sinh cho người dân, nhiều quan điểm cho rằng cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra cơ bản, xây dựng chính sách quản lý hài hòa trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố

Ngày 31.3 vừa qua, báo cáo về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn TP.Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, cho biết sau gần 1 tháng tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán… đã từng bước giảm dần.

Quy hoạch từng vỉa hè từng tuyến phố Hà Nội, tránh “bắt cóc bỏ đĩa” - Ảnh 1.

Để việc quản lý hè phố được căn cơ, bài bản, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố

NGUYỄN TRƯỜNG

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng một số hộ dân không chấp hành; nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. Ngoài ra, còn số lượng lớn người dân dựa vào lòng đường, vỉa hè để mưu sinh; nhiều trường hợp không có mặt bằng, chỉ kinh doanh trên hè phố và tồn tại từ lâu nên việc kiểm tra, xử lý, giải tỏa gặp sự phản ứng từ người dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Nếu cứ thỉnh thoảng lại phát động chiến dịch thì dễ thành "bắt cóc bỏ đĩa", dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực.

Để việc quản lý hè phố được căn cơ, bài bản, ông Dũng đề nghị lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố. "Tôi thấy khâu này quan trọng, thí điểm một số khu vực, đặc biệt quận nội đô. Mình chấp nhận một phần nào đó, tính toán cho phù hợp, đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân. Có chỗ cho phép mở mặt bằng rồi cho thuê theo thời gian để kinh doanh thì có phải trật tự không?", Bí thư Hà Nội gợi ý.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), việc khai thác, quản lý vỉa hè cần đạt 3 tiêu chí gồm: đảm bảo văn minh, trật tự đô thị; có khoảng không dành cho người có nhu cầu đi bộ; hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội, giúp người dân kinh doanh thương mại.

Vị này cho rằng, các phường nên được giao cụ thể hóa vỉa hè từng tuyến phố. Nếu vỉa hè hẹp thì ưu tiên để dành cho người đi bộ một phần, phần còn lại để xe. Vỉa hè rộng thì vừa đi bộ, vừa để xe, kết hợp một số dạng kinh doanh tiện lợi để không gây ô nhiễm môi trường, không gây mất trật tự. "Công thức chung khi sử dụng vỉa hè Hà Nội là tùy theo từng địa điểm cụ thể để giải quyết được lần lượt 3 yêu cầu nêu trên", ông Phong nói.

Mời người dân tham gia xây dựng chính sách

Theo TS-KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), các hoạt động thương mại trên vỉa hè, lòng đường phố cổ khiến thành phố sống động hơn và phần nào đó thể hiện sự khác biệt, hấp dẫn đối với du khách đến Hà Nội. "Đối với Hà Nội nói riêng hay phương Đông nói chung, sự hỗn nham trong hoạt động trên đường phố chính là đặc tính văn hóa. Chúng ta không thể bỏ được, thay vào đó là thích ứng, phát huy ưu điểm, dẹp bỏ sự nhếch nhác, luộm thuộm", ông Đức nói.

Nêu giải pháp để vừa duy trì trật tự đô thị, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo quyền mưu sinh của người dân, TS-KTS Vũ Hoài Đức cho rằng, cơ quan chức năng cần có cuộc điều tra về mặt xã hội học ở cấp độ địa phương để phân vùng hè phố; từ đó khuyến khích không gian nào phát triển một cách có trật tự, không gian nào không nên duy trì, cần loại bỏ.

"Đây là vấn đề động chạm, tác động thẳng đến hoạt động kinh tế, tác động đến các tầng lớp trong xã hội. Nếu người dân thực sự phải sống bám vỉa hè, điều này tạo thành nét văn hóa thì cũng nên có không gian dành cho họ. Tất nhiên, việc này không nên làm dàn trải mà làm theo từng khu vực, từng cụm điểm để tạo sự hấp dẫn, đa dạng, dưới một sự trật tự nhất định", ông Đức nêu quan điểm.

Tiếp đó, theo ông Đức, cần điều tra về mặt không gian, phân tích yếu tố kỹ thuật về hạ tầng, độ rộng, độ an toàn khi tổ chức hoạt động trên hè phố. Từ đó, xem khu vực nào thực sự tạo nên đời sống đô thị thì khuyến khích, nơi nào không thì để chừa một lối đi, kết hợp với trồng cây hoặc lắp đặt thiết bị công cộng tạo "bức tường" ngăn cách.

Cuối cùng, sau khi điều tra, xây dựng chính sách thì cần khảo sát nhu cầu của người dân. Sự phát triển của xã hội ngày nay đòi hỏi mọi người dân đều có quyền tham dự vào chính sách. Khi ý kiến của người dân được lắng nghe, được đưa vào chính sách thì quá trình thực hiện người dân sẽ tuân thủ, không chống chế. "Khi được mọi người ủng hộ, đồng lòng thực hiện thì chính sách sẽ đi vào thực tiễn. Nếu không, mọi chính sách chỉ được một thời gian, khó bền vững", ông Đức chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.