Xóa lớp học tạm ở vùng cao Sơn Tây

21/08/2017 08:30 GMT+7

Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và góp sức của người dân, năm học mới này, hàng trăm học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã thoát cảnh học trong những phòng tạm bợ và nhờ nhà dân.

Mùa này, những cơn mưa chiều xối xả biến con đường về khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (H.Sơn Tây) lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Từ trung tâm xã về khu dân cư này chưa đầy 7 km nhưng mất khoảng 45 phút toát mồ hôi trên xe máy, chúng tôi mới đến nơi. Tận mắt chứng kiến những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, quần áo xộc xệch mới thấu hiểu những thiệt thòi mà các em phải chịu đựng.
Gắn bó với vùng cao Sơn Long hơn 11 năm qua, thầy Phạm Văn Sinh (35 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Sơn Long, cho biết tại khu dân cư Nước Đốp có một điểm trường thuộc Trường tiểu học Sơn Long với 2 phòng học tạm bợ, mùa nắng thì nóng bức, mùa mưa nước tạt tứ bề, thiếu ánh sáng. Cơ sở vật chất xập xệ như thế nhưng cũng không có đủ phòng để học nên suốt nhiều năm qua, hàng chục học sinh tiểu học ở thôn Ra Manh phải học ghép. “Dẫu chịu cảnh thiếu thốn nhưng các em rất ham học cái chữ nên đi học rất đều. Nhiều em phải băng rừng, lội suối 2 tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường, trên người mồ hôi nhễ nhại, trông mà thương”, thầy Sinh thổ lộ.

tin liên quan

Cảnh giác trộm cắp trước cổng trường
Chỉ mới qua tuần lễ đầu tiên tựu trường, một số phụ huynh đưa đón con đến trường, mất cảnh giác đã bị kẻ gian lợi dụng sơ hở, trộm tài sản.

Hai phòng học lắp ráp khá kiên cố, cao ráo, thoáng đãng, nền lát gạch trắng tinh, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, đang được thi công những công đoạn cuối cùng để kịp đưa vào năm học mới 2017 - 2018. Đứng nhìn những người thợ đang miệt mài với công việc xây dựng phòng học, học sinh Đinh Văn Nhượng hồ hởi: “Năm nay, học sinh trong thôn Ra Manh được học trong những phòng học mới rồi. Sướng quá, khỏi phải lo nóng nực, mưa tạt vào lớp nữa”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thầy Phạm Văn Sinh không giấu được sự mừng vui, nói: “Đến ngày 5.9 mới chính thức bắt đầu năm học nhưng khi nghe có phòng học mới, học sinh trong thôn đều hồ hởi. Thầy trò đều vui”. Một điều đáng trân trọng là để xây dựng 2 phòng học lắp ráp cho học sinh trong thôn Ra Manh có nơi học tập khang trang hơn, gia đình ông Đinh Văn Úa đã tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất vườn trồng cau. “Cuộc sống gia đình còn nghèo khó, quanh năm suốt tháng phải bám nương rẫy nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Dẫu vậy, khi nghe vận động hiến đất làm trường, tui đồng ý liền. Lúc chặt gần trăm cây cau đã cho thu hoạch để lấy mặt bằng cũng thấy tiếc lắm nhưng bây giờ nhìn có trường “to” thì sướng cái bụng vì con trẻ trong thôn sẽ bớt nhọc nhằn trong hành trình đi tìm con chữ”, ông Đinh Văn Úa chia sẻ.
Không chỉ xóa phòng học tạm bợ và học nhờ nhà dân, trong năm học này, hơn 2.000 học sinh tiểu học và THCS ở Sơn Tây còn học ở 4 ngôi trường bán trú, được ăn ở tại chỗ, không còn cảnh phải lặn lội suốt nhiều giờ đồng hồ và cơm đùm, mì gói mỗi khi đến trường như các năm học trước.

tin liên quan

Bộ GD-ĐT: Dừng thi giải toán, tiếng Anh trên mạng
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết từ năm học 2017 - 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng.

tin liên quan

Nỗi buồn sư phạm
Chuyện điểm đầu vào ở các trường sư phạm địa phương tuột dốc (3 - 4 điểm/môn) khiến xã hội không khỏi lo ngại về chất lượng của người thầy tương lai đang là mối bận tâm của dư luận thời gian gần đây. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.