Quy định 'không giống ai' về công nhận phó giáo sư, giáo sư

17/04/2017 05:32 GMT+7

Những quy định 'không giống ai' về xét công nhận PGS, GS không chỉ là rào cản cho những nhà khoa học thực sự có năng lực mà còn tạo kẽ hở để tiêu cực hoành hành, phá hoại nền khoa học.

“Vơ bèo gạt tép” để đạt chuẩn
Cách đây 2 năm, sự kiện một nhà toán học nữ được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS) gây sự chú ý của dư luận. Trong lịch sử phát triển giáo dục ĐH nước nhà, đó là lần thứ hai, sau 35 năm, một phụ nữ được phong GS toán. Các bài viết về chị khi ấy chỉ mới tập trung vào khía cạnh phụ nữ làm khoa học thì vất vả ra sao, còn một chi tiết không ai biết là để hồ sơ đủ tiêu chuẩn GS, chị công tác tại một trường ĐH ở Thái Nguyên, phải vào tận một trường ĐH trong Huế để hướng dẫn nghiên cứu sinh. Khi đó ngành toán trường chị chưa được phép đào tạo tiến sĩ (vì chưa có PGS, GS nào) nhưng theo quy định của nhà nước, ứng viên xét GS phải là hướng dẫn chính của ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Trong dự thảo những tiêu chuẩn mới về tiêu chuẩn PGS, GS mà Bộ GD-ĐT đang chủ trì soạn thảo, nội dung này vẫn được giữ lại.
Ở nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo sau ĐH hiện nay có nhiều nhà khoa học đóng góp rất tích cực vào công tác nghiên cứu và đào tạo trong nước, có hàng chục công trình đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín, được công nhận và bổ nhiệm học hàm PGS từ rất nhiều năm nay nhưng trầy trật mãi vẫn không “lên” nổi GS, chỉ vì cái tiêu chuẩn phải đào tạo được 2 tiến sĩ.

Một nhà toán học chia sẻ: “Nguồn tuyển tiến sĩ của ngành toán được chia làm hai cực. Hoặc là rất giỏi, số này thường học trong nước một thời gian thì ra nước ngoài học tiếp. Số còn lại nếu muốn học tiếp lên tiến sĩ thì rất ít người đủ điều kiện về năng lực. Trong khi đó, các nghiên cứu sinh thường thích chọn GS nổi tiếng để theo học, mà ngành toán là một trong số ít ngành có nhiều GS đạt đẳng cấp quốc tế, cho nên rất ít cơ hội cho những ai chưa là GS và chưa nổi tiếng”.
Nghịch lý là ở ngành càng phát triển thì ứng viên càng khó tìm nghiên cứu sinh. Để đạt tiêu chí này, ứng viên phải chịu khó đi các tỉnh xa để hợp tác đào tạo cho địa phương. Theo GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học VN, trong ngành toán đã xuất hiện hiện tượng đào tạo non và đào tạo tràn lan.
Theo GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, nếu xét từ quan điểm lấy người học là trung tâm thì thầy phải đủ giỏi mới được dạy, được hướng dẫn nghiên cứu sinh. “Ở CHLB Đức, thường PGS và GS mới được hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thông lệ ấy không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn đảm bảo quyền lợi của người học. Ở VN thì ngược lại, đòi hỏi ứng viên PGS, GS phải hướng dẫn xong mấy thạc sĩ, tiến sĩ trước khi đăng ký chức danh. Vì vậy người học không đơn thuần là đối tượng đào tạo, mà còn là phương tiện giúp các PGS, GS có được học hàm. Quy định lạ đời ấy vừa không tôn trọng người học, vừa góp phần hạ thấp chất lượng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ vốn đã quá thấp ở VN. Một số thầy cô muốn nhanh chóng đạt tiêu chuẩn hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ, nên đã “vơ bèo gạt tép” để có được học trò, nhận hướng dẫn những người quá kém, rồi viết luận văn luận án các bài báo khoa học thay cho học trò, dù kết quả chưa đạt yêu cầu nhưng coi như xong để còn cho bảo vệ. Đó là hiệu ứng tiêu cực không thể tránh khỏi”, GS Phú nhìn nhận.

“Đi hội đồng tốn kém tiền trăm triệu đồng, lấy đâu ra” !
Một tiêu chuẩn khác trong quy định công nhận GS, PGS là phiếu tín nhiệm của các hội đồng chức danh GS. Theo quy định, có 3 cấp hội đồng: cơ sở, ngành và nhà nước. Trong đó, các cấp cơ sở và ngành được xem là “quyền lực mềm”, là cơn ác mộng của nhiều ứng viên PGS, GS.
Năm ngoái, trong cuộc trò chuyện với một chuyên gia, chúng tôi hỏi thăm chuyên gia này là bao giờ làm hồ sơ công nhận PGS? Chuyên gia này lắc đầu lè lưỡi: “Mình đủ tiêu chuẩn rồi. Định năm nay làm nhưng đang lưỡng lự vì nghe mọi người dọa “đi hội đồng” tốn kém tiền trăm triệu đồng, mình lấy đâu ra!”.
Còn một PGS ngành văn học kể: “Tôi nộp hồ sơ xét công nhận PGS lần đầu năm 2002. Sau khi nộp hồ sơ, thầy trưởng khoa có gọi tôi ra hỏi đã “đi” chưa, chứ thầy nghe nói họ “xôi thịt” lắm. Nhưng tôi nghĩ hồ sơ mình mạnh thế, trượt sao được, nên không đi. Kết quả là năm đó tôi bị trượt, vì khi biểu quyết ở hội đồng ngành không đủ số phiếu”.
Cũng theo vị PGS này, thực ra việc “đi” hồi đó chỉ đơn giản là đến nhà các thầy hội đồng biếu chai rượu tây. Nhưng về sau này thì “thị trường” bị “phá giá” bởi những ứng viên mà hồ sơ yếu. Việc “đi” hội đồng gần như trở thành một thông lệ mà bất kỳ ai có tham vọng trở thành PGS, GS đều biết. Tất nhiên cũng có những người “trót lọt” mà không mất đồng nào hoặc mất rất ít, nhưng chỉ là thiểu số. Vị PGS này nhận xét: “Dù có quy định nhưng nhiều tiêu chuẩn định tính. Anh đạt tiêu chuẩn đó rồi, người ta có thiện cảm thì cho anh điểm tối đa, nếu không thì cho mức thấp nhất. Cả hội đồng ai cũng cho mức điểm thấp nhất thì đúng là phải tài năng xuất sắc mới “qua” được”.

Việc xét hồ sơ PGS, GS phụ thuộc vào “quyền lực mềm” này trong khi nhiều thành viên trong hệ thống không nắm rõ ứng viên, thành thử gây ra những sự cố ồn ào trong dư luận. Chẳng hạn đợt xét năm 2016, PGS Nguyễn Xuân Hùng, một chuyên gia được đánh giá là hàng đầu hiện nay trong ngành cơ học không chỉ trong nước và thế giới, đã không đạt GS. Liên tục trong 2 năm 2015 và 2016, PGS Nguyễn Xuân Hùng được lọt vào danh sách 1% nhà khoa học có ảnh hưởng lớn thế giới (theo công bố của Thomson Reuters).
Thế nên, PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, cảnh báo: “Việc những nhà khoa học đầu tàu nổi bật về nghiên cứu cơ bản và đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, với nhiều đóng góp cho tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của khoa học nước nhà những năm qua như Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Xuân Hùng... đã không được/bị từ chối chức danh GS cho thấy những bất cập và tiêu cực ở các hội đồng chức danh GS, trong khi họ ban phát hư danh cho biết bao GS, PGS yếu kém (kể cả chính họ), và trực tiếp hay gián tiếp tạo ra vô số các tiến sĩ, sách, công trình, đề tài khoa học dỏm rời xa chuẩn mực quốc tế”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.